CII sắp nâng tỷ lệ sở hữu tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 89%

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 89%.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 và định hướng năm 2023 được CII công bố ngày 3/4, thu phí giao thông BOT vẫn là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.

Với mảng cốt lõi này, doanh thu thu phí giao thông năm 2022 của CII đạt 1.445 tỷ đồng (chưa bao gồm thu phí từ dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) tăng gần 53% so với năm trước.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức đưa vào khai thác từ ngày 9/8/2022.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức đưa vào khai thác từ ngày 9/8/2022.

Sự tăng trưởng doanh thu từ thu phí giao thông do các dự án đã vận hành ổn định từ đầu năm 2022 mà không bị tạm dừng do giãn cách xã hội như năm 2021. Hơn nữa từ ngày 01/04/2022 giá vé qua trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội tăng 10%.

Riêng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đây dự án lớn nhất trong danh mục đầu tư của CII. Dự án này chính thức đưa vào khai thác hoàn vốn từ ngày 9/8/2022. Tại thời điểm cuối tháng 12/2022 dự án vận hành ổn định mang về doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương 910 tỷ đồng/năm.

Với tổng mức đầu tư hơn 12.668 tỷ đồng, dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là mắt xích quan trọng giúp CII thu về dòng tiền lớn và ổn định trong những năm tới. Tại dự án này CII đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chính thức nâng tỷ lệ sở hữu lên 89%. Thời điểm dự kiến sẽ bắt đầu hợp nhất dự án từ quý III/2023.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII xác nhận, công ty sẽ mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc để nâng tỷ lệ sở hữu tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 89%.

Nói về kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông mới, ông Bình cho biết, hai năm tới, CII chưa có dự án mới mà tập trung nghiên cứu phương thức đầu tư hạ tầng mới.

Lý giải cho việc không phát triển dự án mới, ông Bình cho hay, hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) bắt buộc tất cả các dự án phải đấu thầu, trong khi để làm được hồ sơ đấu thầu, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều bước và mất rất nhiều thời gian.

CII hiện đang sở hữu 7 dự án BOT giao thông được đầu trực tiếp và gián tiếp thông qua Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII (CII B&R).

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi tại các dự án này là 20.844 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu của CII và CII B&R là 9.277 tỷ đồng và vốn vay là 11.567 tỷ đồng.

Để thu hồi vốn đầu tư tại các dự án BOT giao thông, CII vừa có tờ trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, việc phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi là thật sự cần thiết cho CII.

Trong trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công, CII sẽ có dòng tiền mặt đều đặn hàng ngày từ các trạm thu phí để có thể trả lãi trái phiếu chuyển đổi; trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn 3 tháng/lần cho cổ đông và hoàn trả nợ gốc trái phiếu cuối kỳ (nếu có).

Anh Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cii-sap-nang-ty-le-so-huu-tai-cao-toc-trung-luong---my-thuan-len-89-d186978.html