CNN: Châu Âu sẽ vượt qua mùa đông năm nay nhờ 'kì tích', nhưng sang năm còn khó khăn hơn nhiều

Việc giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga khiến các quốc gia châu Âu chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.

Nguồn cung khan hiếm

Moscow đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng các nước này vẫn có thể tích lũy đủ cho mùa đông sắp tới.

Đó là một kỳ tích đối với khu vực này bởi châu Âu đang dần phải "đoạn tuyệt" với nguồn năng lượng lớn nhất của vùng. Châu Âu đã giảm nhập khẩu dầu với mục đích hạn chế nguồn lợi nhuận cho Moscow, trong khi Nga đã cho dừng các đường ống dẫn khí đốt quan trọng.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho thấy, thị phần nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga đã giảm từ 36% vào tháng 10 năm ngoái xuống chỉ còn 9% một năm sau. Nhập khẩu dầu thô Nga của EU đã giảm 33% trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào tháng 12, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Châu Âu hiện đang có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, và đang tăng cường nhập khẩu từ Na Uy và Algeria, cũng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, để bù đắp lượng thiếu.

Theo Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, các cơ sở dự trữ khí đốt đã đầy 91%, vượt xa mục tiêu 80% mà các quan chức EU đặt ra cho các nước vào tháng 11.

Nhưng thành tích này theo cùng với cái giá đắt cho nền kinh tế: việc tìm kiếm các nguồn thay thế đã khiến giá năng lượng tăng vọt. Giá khí đốt châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh vào cuối tháng 8 nhưng vẫn cao hơn 265% so với 1 năm trước, gây gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp và buộc các chính phủ phải tài trợ cho các khoản trợ cấp khổng lồ.

Đức, cường quốc sản xuất của Châu Âu, dự kiến nền kinh tế của nước này sẽ giảm 0,4% trong năm tới.

Georg Zachmann, một thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, nói với CNN Business: "Sự phụ thuộc vào Nga sẽ không còn trong năm tới. Tuy nhiên, phải tới sau năm 2025 giá cả ở châu Âu mới hợp lí trở lại".

Chỉ là điểm khởi đầu

Ngay cả khi các kho dự trữ khí đốt đã gần đầy, an ninh năng lượng của khu vực vẫn còn bấp bênh, với tình trạng mất điện và phân bổ lượng khí đốt vẫn có thể xảy ra trong những tháng tới trong trường hợp nguồn cung tiếp tục bị thu hẹp và mùa đông lạnh giá hơn nữa.

Khối này có khả năng tiếp tục đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung vào đầu năm tới nếu Nga quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại từ tháng này - theo báo cáo hồi tháng 7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Alexei Miller, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, cho biết "không có gì đảm bảo" rằng châu Âu sẽ vượt qua mùa đông với lượng dự trữ hiện tại. Ông cho biết kho dự trữ của Đức sẽ chỉ đáp ứng được nhu cầu trong tối đa 10 tuần.

Việc bổ sung những kho dự trữ đó vào năm tới được coi là bài kiểm tra lớn tiếp theo của Châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu không phải là "một cú sốc nhất thời" và "mùa đông năm 2023 có thể sẽ tồi tệ hơn mùa đông năm nay."

Khi nhiên liệu nhập khẩu từ Nga biến mất, châu Âu đã dùng khí đốt hóa lỏng (LNG) để thay thế. Tính tổng cộng, châu Âu và Vương quốc Anh đã nhập khẩu LNG nhiều hơn gần 68% từ các nguồn khác ngoài Nga trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, cạnh tranh toàn cầu đối với LNG đã rất khốc liệt và có thể trở nên khốc liệt hơn nếu - như dự kiến - nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng tốc trở lại vào năm tới.

Sindre Knutsson, Phó chủ tịch cấp cao về khí đốt và LNG tại công ty nghiên cứu Rystad Energy, nói với CNN: "Nhu cầu LNG của Trung Quốc tăng trở lại cũng có thể gây ra thách thức đối với khả năng mua LNG của châu Âu trong năm tới".

Nguồn cung dầu cũng có thể bị thắt chặt, bất chấp kỳ vọng rằng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới do các nền kinh tế chậm lại. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC +) tuần trước cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cnn-chau-au-se-vuot-qua-mua-dong-nam-nay-nho-ki-tich-nhung-sang-nam-con-kho-khan-hon-nhieu-20221016112047575.htm