CNN: Mỹ cân nhắc động thái hỗ trợ chưa từng có đối với Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiến gần hơn tới quyết định dỡ bỏ lệnh cấm các nhà thầu quân sự trực tiếp triển khai ở Ukraine, 4 quan chức Mỹ am hiểu vấn đề tiết lộ với CNN.

Nhân viên của công ty quân sự Mỹ Blackwater tham gia chiến đấu ở Iraq vào năm 2004.

Theo CNN, quyết định trên một khi được thông qua sẽ giúp giải quyết vấn đề sửa chữa và bảo trì vũ khí Mỹ cung cấp ngay trên lãnh thổ Ukraine.

Đây được coi là sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Ukraine, trong bối cảnh Mỹ tìm kiếm các giải pháp có thể giúp Ukraine chiếm ưu thế trong xung đột.

"Chính sách này đang được các quan chức chính phủ thảo luận và chưa có văn bản chính thức để Tổng thống Joe Biden ký", một quan chứ Mỹ giấu tên nói với CNN.

"Chúng tôi chưa đưa ra bất kì quyết định nào và việc thảo luận vẫn chỉ đang ở giai đoạn ban đầu", một quan chức chính phủ Mỹ nói.

Chính sách mới nếu được thông qua có thể có hiệu lực ngay trong năm nay, trước khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc. Quyết định sẽ cho phép Lầu Năm Góc ký hợp đồng với các công ty vũ khí để các công ty này lần đầu gửi nhân viên sang Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Giới chức Mỹ nói họ hi vọng giải pháp này sẽ giúp đẩy nhanh hoạt động sửa chữa và bảo trì vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine. Kiev có thể sửa chữa vũ khí ngay trong nước với sự hỗ trợ của các nhà thầu quân sự Mỹ, thay vì gửi vũ khí sang Ba Lan hay Romania - quá trình vốn mất rất nhiều thời gian.

Ưu điểm lớn nhất đối với giải pháp trên là khả năng duy trì phi đội tiêm kích F-16 trong tình trạng vận hành tốt để quân đội Ukraine sử dụngthường xuyên, theo CNN. Trong vài tháng tới, Ukraine sẽ nhận các chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do các nước NATO cung cấp.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot được triển khai ở Ba Lan.

Theo quan chức Mỹ giấu tên, các công ty vũ khí Mỹ ký hợp đồng với Lầu Năm Góc sẽ phải xây dựng kế hoạch để giảm thiểu rủi ro cho nhân viên làm việc ở Ukraine. Nhưng không rõ các công ty này có được phép triển khai lực lượng an ninh riêng hay không vì binh sĩ Mỹ vẫn không được phép hiện diện ở Ukraine theo chính sách hiện nay.

Theo quan chức Mỹ, mức độ hiện diện của các nhà thầu quân sự Mỹ ở Ukraine nếu có sẽ không có quy mô lớn như ở Iraq hay Afghanistan. Ước tính sẽ chỉ có vài chục hoặc vài trăm nhà thầu quân sự Mỹ làm việc ở Ukraine trong một thời điểm.

"Đây sẽ là nỗ lực tập trung và chu đáo hơn để hỗ trợ Ukraine ngay tại chỗ", Alex Vindmand, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, từng là giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu trong Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Donald Trump, nói với CNN.

Ông Vindman là người đã nhiều lần hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm đưa nhà thầu quân sự tư nhân tới Ukraine. "Ukraine là một đồng minh của Mỹ", ông Vindmand nói với CNN. "Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc hỗ trợ Ukraine và chúng ta có rất nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro".

Đăng Nguyễn - CNN

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cnn-my-can-nhac-ong-thai-ho-tro-chua-tung-co-oi-voi-ukraine-a670234.html