Có bất ngờ khi Heineken đóng cửa nhà máy bia ở Quảng Nam?

Việc Heineken đóng cửa một nhà máy bia tại Quảng Nam là thông tin khá bất ngờ nhưng nếu xét trong bối cảnh khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng là dễ hiểu.

Mới đây, Heineken Việt Nam đã quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam (thị xã Điện Bàn), với lý do từ sau giai đoạn COVID-19, ngành kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dẫn đến sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thay đổi thói quen uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Từng là “gà đẻ trứng vàng”

Để có thể thích ứng tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, Heineken cho biết cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng và dự đoán những thay đổi của thị trường.

Heineken Việt Nam đã quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Như vậy, nhà máy bia Quảng Nam phải đóng cửa sau hơn 20 năm vận hành (kể từ ngày 10/9/2002). Được biết, trước COVID-19, bình quân mỗi năm nhà máy bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây liên tục sụt giảm, riêng 3 tháng đầu năm 2024, Heineken đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng.

Hồi tháng 4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang từng bày tỏ lo ngại một trong các khó khăn lớn ảnh hưởng đến thu ngân sách của Điện Bàn năm nay là sự sụt giảm nguồn thu từ doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.

“Nguồn thu dự toán cho Chi nhánh Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Quảng Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) trong năm 2024 khoảng 570 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ điều tiết được hưởng từ nguồn này của Điện Bàn là 43%, tỉnh hưởng 39% và Trung ương 18%. Tuy nhiên, đến hết quý I mới chỉ thu được 19,5 tỷ đồng, giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2023”, ông Quang nói.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cũng cho thấy, sản lượng bia toàn cầu của hãng đã giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria. Tại thị trường Việt Nam, sự đi xuống đến từ những khó khăn của nền kinh tế chung và sự siết chắt của chính sách thổi nồng độ cồn.

Báo cáo cũng cho biết, lợi nhuận hoạt động (Operating profit) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Heneken giảm 20%, cũng do yếu tố chính là sự suy giảm của thị trường Việt Nam.

Trước đó, với 6 nhà máy và hơn 3.000 nhân viên trên khắp cả nước, Heineken đã đầu tư hơn 1 tỷ Euro tại Việt Nam. Heineken Việt Nam đang tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, và đóng góp tương đương 1,04% GDP quốc gia.

Dự báo khó khăn sẽ tiếp tục gia tăng

Không chỉ Heineken, sức khỏe của các doanh nghiệp (DN) rượu bia cũng đang cho thấy “bức tranh nhiều màu”. Nếu như Sabeco có kết quả kinh doanh chấm dứt chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ, thì Habeco lại thua lỗ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Sabeco cho thấy doanh thu thuần đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 970 tỷ (tương ứng 15,6%) so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quý I/2023. Sau khi trừ chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 6% so với quý trước.

Trong khi đó, Habeco trong quý I/2024 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp tăng gần 9% lên 267 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí và thuế, Habeco lại lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3,7 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh khởi sắc, Habeco lại ghi nhận lỗ lớn nhất trong 4 năm, kể từ quý I/2020.

Năm 2024, Habeco nhận định vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng lớn đến các DN bán lẻ. Rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục là những áp lực đối với các DN. Những yếu tố này sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco.

Trong khi đó, Habeco sẽ tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt của các tập doàn lớn có nguồn lực tài chính, nhân sự, kinh nghiệm bán hàng, nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tâm lý sính ngoại, thích uống bia nhập khẩu…

Tổng Giám đốc Habeco Ngô Quế Lâm cho biết sẽ tiếp tục theo dõi xu hướng sản phẩm đồ uống và xu hướng bao bì mới nhằm đề xuất cải tiến kịp thời. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định các kế hoạch chi phí thực sự cần thiết cho sản xuất, kinh doanh, tiết giảm các chi phí chưa thực sự cấp bách để tập trung cho công tác thị trường, phát triển sản phẩm, đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Một trong những giải pháp cũng được một số DN rượu bia tính tới là sản xuất đồ uống không cồn. Heineken là một trong những đơn vị đi đầu với sản phẩm bia không cồn nhưng việc định vị thị trường ở Việt Nam vẫn là bài toán dường như không dễ dàng. Thương hiệu này cũng vướng phải lùm xùm khi đầu năm nay gây tranh cãi việc bán bia trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Thời điểm đó, Heineken lên tiếng đính chính đây là sản phẩm bia không cồn.

Có thể thấy khó khăn với ngành bia rượu là không ít và có thể sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi các DN cần phải có giải pháp thích ứng. Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với nhiều mặt hàng, trong đó có rượu, bia.

Theo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án đánh thuế, song nghiêng về phương án áp thuế 80% với bia vào năm 2026, sau đó tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030.

Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia đang là 65%. Nếu dự luật mới nhất của Bộ Tài chính được thông qua, đồng nghĩa với giá rượu, bia năm 2026 sẽ tăng thêm 20% so với năm 2025. Các năm sau đó, theo ước tính của Bộ Tài chính, giá của mặt hàng này sẽ tăng thêm 2 – 3% tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

“Việc áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia. Thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ và hạn chế lạm dụng sản phẩm này”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/co-bat-ngo-khi-heineken-dong-cua-nha-may-bia-o-quang-nam-1100601.html