Có cần bổ sung vitamin K2 khi đang uống vitamin D3?

Bổ sung vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng và phát triển hệ xương khớp của trẻ. Gần đây trên mạng xã hội có nhiều ý kiến liên quan đến việc có cần bổ sung vitamin K2 hay không khi đang cho trẻ uống vitamin D3? Vậy sự thật thế nào?

1. Vai trò của vitamin K2

Bên cạnh vitamin D3 thì vitamin K2 cũng rất quan trọng với việc hấp thụ và sử dụng canxi của trẻ.

Cơ thể sử dụng hai loại vitamin K: K1 (tham gia vào quá trình đông máu) và K2 (giúp phát triển xương và răng khỏe mạnh). Vì lý do đó, vitamin K2 có trong rất nhiều sản phẩm bổ sung cho trẻ em.

Có hai loại K2 chính được cơ thể sử dụng là:

- MK-4: Nguồn gốc từ thịt động vật, trứng, sữa; tự tổng hợp nhờ vi khuẩn đường ruột hoặc gan tổng hợp từ vitamin K1.

- MK-7: Nguồn gốc chủ yếu từ các thực phẩm lên men như natto (đậu nành Nhật Bản). MK-7 ít được tổng hợp từ các nguồn vitamin K khác như MK-4.

Cả MK-4 và MK-7 đều có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt các protein phụ thuộc vitamin K, như osteocalcin (quan trọng cho sức khỏe xương) và matrix Gla-protein (quan trọng cho sức khỏe tim mạch). Tuy nhiên, do thời gian bán hủy dài hơn, MK-7 có thể cung cấp lợi ích kéo dài hơn và được cho là hiệu quả hơn trong một số chức năng sinh học ngoài gan. Do đó, nếu bổ sung, sản phẩm có K2 dạng MK-7 cao hơn được cho là có ưu điểm vượt trội hơn.

Các thực phẩm chứa nhiều vitamin K2.

Các thực phẩm chứa nhiều vitamin K2.

2. Có cần bổ sung vitamin D3 kèm vitamin K2 cho trẻ hay không?

Nhu cầu vitamin K2 ở trẻ nhỏ (dưới 12 tháng) là không cao. Theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nhu cầu chung về vitamin K cho trẻ nhỏ khoảng dưới 2,5 mcg/ngày.

Nghiên cứu cho thấy vitamin K2 dưới dạng MK-7 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, không có tác dụng phụ đáng kể và là lựa chọn lý tưởng cho việc bổ sung cho trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

Cho đến nay chưa có khuyến cáo cụ thể về giới hạn tối đa hàm lượng vitamin K2 hàng ngày gây độc cho cơ thể. Hàm lượng K2 nạp vào hàng ngày được hấp thu tốt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú là 90 mcg/ngày và trung bình 45 mcg mỗi ngày đối với trẻ em.

Hầu hết các sản phẩm D3, K2 trên thị trường hiện tại chỉ chứa khoảng 22,5 mcg/liều, vẫn trong ngưỡng an toàn. Hiện tại, chưa có khuyến cáo nào về việc uống K2 gây mất ngủ ở trẻ.

Cho tới thời điểm hiện tại, các tổ chức y tế lớn trên thế giới mới chỉ khuyến cáo chính thức việc cần thiết bổ sung D3 cho trẻ nhỏ, chưa có khuyến cáo về việc bổ sung K2 kèm theo.

Về mặt lý thuyết, nhu cầu K2 của trẻ không lớn, cơ thể có thể tự tổng hợp được vitamin K2, do đó vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Tuy vậy, một số trẻ có bệnh ruột mạn tính, bệnh lý gan mật không hấp thu được vitamin K hoặc sử dụng kháng sinh nhiều ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột nên được cân nhắc bổ sung vitamin K.

Cho tới thời điểm hiện tại, các tổ chức y tế lớn trên thế giới mới chỉ khuyến cáo chính thức việc cần thiết bổ sung D3 cho trẻ nhỏ, chưa có khuyến cáo về việc bổ sung K2 kèm theo.

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện chưa có khuyến cáo chính thức về việc bổ sung vitamin K2 cho trẻ. Nếu chỉ bổ sung D3 mà không có vitamin K2 thì vẫn tốt và tiết kiệm, vì cơ thể có thể tổng hợp được vitamin K2.

Mặc dù việc bổ sung K2 kèm theo với liều lượng quy định là rất an toàn, nhưng vẫn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng cho trẻ.

Tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng vitamin D3, K2 cho trẻ sơ sinh tại nhà khi chưa có khuyến cáo hoặc hướng dẫn của bác sĩ bởi điều này có thể làm hại đến sức khỏe của con trẻ.

Cần lưu ý rằng, sản phẩm tốt nhất chưa hẳn là đắt nhất, mà là sản phẩm được trẻ hợp tác dùng, đơn giản, thuận tiện để không quên.

Ngoài ra, cần cho trẻ dùng đều đặn mới có hiệu quả.

Cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Dấu hiệu cơ thể thừa vitamin D.

BS. Trần Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-can-bo-sung-vitamin-k2-khi-dang-uong-vitamin-d3-169240809182244781.htm