Cơ chế đặc biệt để khu vực tư nhân đạt 2 triệu doanh nghiệp năm 2030
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh mục tiêu khu vực tư nhân có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, và đề xuất cần có giải pháp đặc biệt để hoàn thành mục tiêu.
Sáng 16/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng dự thảo đã kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân để đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm 51% GDP, 33% tổng thu ngân sách Nhà nước và 55% tổng vốn đầu tư xã hội.
Góp ý chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh mục tiêu để đạt mục tiêu khu vực tư nhân có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, phải có giải pháp đặc biệt bởi hiện nay mỗi năm bình quân cả nước chỉ tăng từ 30.000 - 40.0000 doanh nghiệp.
"Để 5 năm có thể tăng lên 2 triệu doanh nghiệp thì phải có chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể để chuyển sang loại hình doanh nghiệp thì mới đạt được mục tiêu. Đồng thời, Nhà nước cũng phải nâng cao, mở rộng thêm những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn," đại biểu kiến nghị.
Mặt khác, theo đại biểu, dự thảo nghị quyết cần phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hình sự với hành chính, trách nhiệm dân sự với trách nhiệm hành chính. "Đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các phụ lục có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, các Nghị định của Chính phủ... để thể chế hóa các nội dung này cho doanh nghiệp," đại biểu TP HCM nêu.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đại biểu đồng tình với các quy định trong dự thảo. Song, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung các địa phương có đất đai, có tiềm năng và thế mạnh thì cần tạo cơ chế để thành lập, mở rộng các khu công nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với giá hỗ trợ.
"Điều này rất quan trọng, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao nhưng phải độc lập tự chủ về kinh tế. Muốn làm được như vậy thì khu vực kinh tế tư nhân phải lớn mạnh, phải có cơ chế hỗ trợ về tài chính, tín dụng, đất đai," đại biểu nói và nhấn mạnh cần điều khoản để khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho khu vực tư nhân.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu thực tế nhiều chính sách lãi suất thời gian qua chưa bảo đảm hiệu quả, những chính sách lần này cần làm rõ cơ chế, nguồn vốn hỗ trợ để ngân hàng triển khai ngay, triển khai hiệu quả.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: Media Quốc hội
Rà soát các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai
Cũng liên quan đến chính sách tiếp cận đất đai, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá, dự thảo Nghị quyết đã đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kinh tế tư nhân. Trong đó, có các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị rà soát lại quy định liên quan đến bố trí đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể, quy định "phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại".

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Media Quốc hội
Thực tế cho thấy, dù một số địa phương đã có cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp nhưng việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp ở một số Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thu hút chậm.
Theo đại biểu, việc quy định phải dành riêng một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, sẽ gặp khó khăn.
"Chưa kể, việc xác định "một phần diện tích" là bao nhiêu cũng là rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nếu để lại một phần diện tích mà không có doanh nghiệp thuê lại, để lãng phí đất sau đầu tư hạ tầng thì ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này," đại biểu đặt vấn đề.
Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định, tại một số tỉnh, thành phố có quy hoạch các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp, Cụm công nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê đất.
Tương tự, theo đại biểu tỉnh Thanh Hóa, tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 quy định: Đối với Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp thành lập mới sau Nghị quyết này có hiệu lực thì UBND tỉnh xác định đối với từng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20ha/khu, Cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Nếu sau 2 năm kể từ ngày hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp thuê thì chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp mới được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại.
Quy định như vậy đại biểu thấy cũng rất khó thực hiện và có thể gây khó khăn, làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác đến thuê, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nếu sau 2 năm không có doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê, thì doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sẽ chịu thiệt hại.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định đối với dự án Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp sau khi Nghị quyết này có hiệu lực nếu xác định được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê đất thì cần phải bố trí đủ quỹ đất ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê.
Còn nếu chưa xác định được nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thì tùy theo xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, một số tỉnh, thành phố có thể quy hoạch Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trong đó có đất cho nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê, đại biểu đề xuất.