Đại biểu Quốc hội cảnh báo hơn 600 'doanh nghiệp ma' xuất trên 1 triệu hóa đơn khống

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga ( cho biết, có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 'doanh nghiệp ma' xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng. Vì vậy cần phải có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả.

Lập hàng trăm công ty ma trốn thuế

Ngày 16/5, góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với quy định giảm thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đại biểu nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma" lợi dụng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).

Đại biểu dẫn chứng: “Thực tế đã cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 "doanh nghiệp ma" xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng”.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, cần bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm: liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

Với nhóm chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bà Nga cho rằng, dự thảo nghị quyết còn "chung chung, chưa đủ mạnh".

Bà dẫn ví dụ, quy định việc cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cần thiết nhưng còn quá chung chung.

"Đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hơn đối với danh mục các loại dịch vụ được cung cấp miễn phí, các công việc được hỗ trợ để khâu tổ chức thực hiện được thống nhất và rõ ràng", bà Nga kiến nghị.

Đề xuất cơ chế tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp

Theo Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), mặc dù không được nhận sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước thì doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp vẫn phải tự bỏ vốn để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phải sau thời gian 2 năm kể từ ngày hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới được chuyển quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại nếu không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM).

“Như vậy, rõ ràng là có sự ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp do phải tự vốn đầu tư mà chưa được khai thác.” Do đó, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị, cần làm rõ vấn đề này, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp.

Cùng quan điểm này, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, quy định như vậy rất khó thực hiện và có thể gây khó khăn, làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác đến thuê, thuê lại đất trong khu, cụm công nghiệp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, nên quy định đối với dự án khu, cụm công nghiệp sau khi Nghị quyết này có hiệu lực nếu xác định được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê đất thì cần phải bố trí đủ quỹ đất ưu tiên cho thuê. Nếu không xác định được nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thì tùy theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, một số tỉnh, thành phố có thể quy hoạch đất cho nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân thuê.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) đề nghị bổ sung quy định, với các địa phương có thể mạnh về đất đai, phải tạo cơ chế để các địa phương có thể thành lập, mở rộng các khu công nghiệp. Qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với giá hỗ trợ, ưu đãi.

Ngoài ra, đại biểu đoàn TPHCM cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ về tài chính tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, nghị quyết cần có một điều khoản quy định về quỹ đất sạch, hỗ trợ lãi suất tín dụng cho khu vực tư nhân.

“Cần phải làm rõ cơ chế hỗ trợ từ ngân sách ở đâu. Ngân hàng thương mại có thể giải ngân để cho doanh nghiệp vay được”, ông Ngân nêu quan điểm.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-canh-bao-hon-600-doanh-nghiep-ma-xuat-tren-1-trieu-hoa-don-khong-d58429.html