Cỏ dại phủ sân, rác lấp khán đài: Trung tâm văn hóa hàng chục tỷ hoang lạnh bên biển Huế
Từng được kỳ vọng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao trọng điểm khu vực ven biển TP Huế, Trung tâm Văn hóa – Thể thao (VHTT) Thuận An đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác dù hoàn thành đầu tư nhiều năm.
VIDEO: Trung tâm văn hóa thể thao tại Huế trị giá hàng chục tỷ đồng xây xong rồi bỏ hoang nhiều năm.

Dự án Trung tâm VHTT Thuận An (giai đoạn 1) được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) phê duyệt vào tháng 10/2012, với tổng mức đầu tư 21,5 tỷ đồng (trong đó phần lớn từ ngân sách tỉnh). Mục tiêu dự án nhằm bổ sung hạ tầng văn hóa - thể thao thiết yếu cho thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang cũ), đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng vùng ven biển.

Công trình được khởi công từ năm 2013, do Ban Đầu tư & Xây dựng huyện Phú Vang (cũ) làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm nhiều hạng mục như khán đài, sân bóng đá rộng 1.500m2, mặt sân bóng và đường chạy (piste) khoảng 8.000m2, mương thoát nước bao quanh dài 600m, nhà vệ sinh, nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, việc phân bổ vốn đầu tư dàn trải qua nhiều năm khiến tiến độ thi công kéo dài đến gần 8 năm. Mãi đến khoảng cuối năm 2022, công trình mới hoàn thành, nghiệm thu. Ông Lê Đình Phong - Chủ tịch UBND phường Thuận An (mới), cho biết, mặc dù đầu tư xây dựng từ năm 2013, nhưng công trình qua nhiều năm vẫn chưa được sử dụng chính thức, ngoại trừ các hoạt động thể thao tự phát của thanh niên và người dân địa phương. Trung tâm sau đó dần dần rơi vào hoang phế.

Được biết, sau khi thị trấn Thuận An tách khỏi huyện Phú Vang sáp nhập vào TP Huế cũ, Trung tâm được bàn giao về cho TP Huế tiếp quản. Sau bàn giao vài năm, từ khi TP Huế cũ tách thành hai quận Thuận Hóa và Phú Xuân, Trung tâm VHTT này thuộc quản lý của cơ quan chức năng quận Thuận Hóa, nhưng công trình tiếp tục rơi vào cảnh hoang phế, không được sử dụng vào mục đích thể thao hay tổ chức các hoạt động văn hóa.




Các hạng mục nhà chức năng bị bỏ hoang, dụng cụ thể dục ngoài trời phủ đầy cỏ hoang, khán đài đầy rác thải và cây dại.

Phần mái khán đài mủn mục, xuất hiện lỗ thủng trên các tấm lợp, xà gồ hoen gỉ.




Khu nhà điều hành xuống cấp, lối vào phủ rậm cỏ dại, bên trong đầy rác bẩn, cửa kính bị vỡ nát, trụ đỡ bị nứt, tường bong tróc nhiều mảng…




Mặt lát thuộc hệ thống thoát nước bao quanh mặt sân bị hỏng nát, tạo những hố sâu nguy hiểm. Đường bê tông bao quanh sân lu lấp cỏ dại.

Đặc biệt, khu sân bóng đá – công trình chính của trung tâm – do thi công “lỗi” kỹ thuật bằng nguồn vật liệu san lấp thiếu phù hợp, với đất cấp phối đồi, đất pha sét kết cấu cứng, thoát nước kém… nên khi mưa xuống nơi đây trở thành bãi sình lầy. Thời điểm nắng nóng, mặt sân quá rắn rất nguy hiểm cho các hoạt động vận động ngoài trời, thể dục thể thao. "Với mặt sân rắn như đá vào mùa khô, đá bóng hay vận động thể thao tại sân vận động này là rất khó và hết sức nguy hiểm. Mùa mưa, nơi đây trở nên đọng nước sình lầy, trâu thường vào đầm mình. Do đó, chúng tôi vẫn thường chơi bóng ở sân vận động cũ gần siêu thị Thuận An", anh Hoàng Nguyên (trú tổ dân phố An Hải, phường Thuận An) phản ánh.




Theo thời gian, nơi đây phủ đầy cỏ dại, trở thành bãi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, khu VHTT Thuận An vẫn chưa có hệ thống hàng rào bảo vệ, người dân tự do ra vào công trình và xả rác, trâu bò phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng mỹ quan công cộng.

Trao đổi với PV, ông Lê Đình Phong – Chủ tịch UBND phường Thuận An (mới) cho biết, khu VHTT của phường bị bỏ hoang là thực trạng diễn ra qua nhiều năm. Nguyên nhân công trình không thể sử dụng từ lâu nay là do mặt sân rất cứng, được san đắp bằng đất đồi núi, không phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng cho các hoạt động thể thao.

Ông Phong nhìn nhận, sau khi phường Thuận An mới hợp nhất từ nhiều phường, xã ven biển TP Huế, nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện thể thao, văn hóa của người dân địa phương sẽ rất lớn. Do đó, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để đầu tư xử lý những bất cập của công trình, cải tạo mặt sân, sửa chữa những hạng mục xuống cấp, hư hỏng, bổ sung thêm hàng rào… nhằm khai hiệu quả, đúng mục đích đối với một trung tâm văn hóa, thể thao trọng điểm của phường mới.