Có dấu hiệu bao che cho các công trình vi phạm ở thủ phủ sầu riêng
Sở Xây dựng Đắk Lắk cho rằng, nhiều xã không thực hiện cung cấp số liệu để đoàn kiểm tra, có dấu hiệu che giấu, bao che cho các công trình vi phạm ở thủ phủ sầu riêng.
Thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện kiểm tra, xử lý
Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk vừa chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk).
Trước đó, Đoàn kiểm tra số 169 của Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, ghi nhận hiện trạng ngẫu nhiên 32 công trình trên tổng số 632 công trình tại địa bàn 6 xã, thị trấn có tuyến quốc lộ 26 đi qua.
Qua đó, cho thấy, hầu hết các công trình xây dựng được Đoàn kiểm tra đều có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng và đất đai (31/32 công trình, chiếm tỷ lệ 96,88%).
UBND huyện, thị trấn và các xã chưa có sự quan tâm, phối hợp đúng mức trong việc thường xuyên kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền nên việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm còn chưa được kịp thời và dứt điểm (có 18/32 công trình chưa xử lý, chiếm tỷ lệ 56,25%).
Sở Xây dựng cũng chỉ rõ, UBND huyện, thị trấn và các xã còn thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi, phát hiện kiểm tra, xử lý và thông báo kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra, xử lý ngay từ khi mới phát sinh công trình xây dựng.
Việc kiểm tra chủ yếu do chính quyền địa phương các xã, thị trấn tổ chức thực hiện và báo cáo đề xuất xử lý. Dẫn đến, việc kiểm tra không đúng thẩm quyền, không chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Mặt khác, UBND huyện, thị trấn và xã lập hồ sơ xử lý các công trình vi phạm, nhưng chỉ thực hiện đối với các công trình do các doanh nghiệp tư nhân và người dân làm chủ đầu tư. Còn các công trình có quy mô lớn do các công ty TNHH một thành viên; công ty cổ phần thực hiện xây dựng lại không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Việc này, gây bất bình đẳng trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tín nhiệm của người dân đối với bộ máy chính quyền các cấp và tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc xử lý vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình xây dựng có vi phạm còn chưa được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, thiếu quyết liệt và chưa triệt để, chỉ chú trọng trong việc thu tiền phạt. Dẫn đến, toàn bộ công trình vi phạm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều chưa thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định (14/14 trường hợp, chiếm tỷ lệ 100%).
Ngoài ra, số liệu báo cáo chi tiết các công trình của UBND các xã, thị trấn cung cấp cho UBND huyện chưa đầy đủ, chưa chính xác và chưa chi tiết. Nhiều xã thậm chí không thực hiện cung cấp số liệu báo cáo để đoàn kiểm tra có cơ sở lựa chọn công trình xây dựng nhằm thực hiện kiểm tra, có dấu hiệu che giấu, bao che cho các công trình vi phạm.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Krông Pắk, có 6 xã, thị trấn trên địa bàn có báo cáo danh sách chi tiết các công trình xây dựng; còn lại 10 xã không có báo cáo danh sách chi tiết các công trình xây dựng của huyện.
Vì đâu nên nỗi?
Có thực trạng nói trên, Sở Xây dựng cho rằng, nguyên nhân do huyện Krông Pắk là thủ phủ sầu riêng được công nhận thương hiệu, nên tập trung nhiều thương lái từ khắp nơi về thu mua. Đồng thời, nhu cầu xây dựng và cho thuê kho bãi ngày càng cao, do phải bảo quản sản phẩm sầu riêng trong mùa vụ đạt đủ tiêu chuẩn và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua. Trong khi huyện Krông Pắk chưa đầu tư xây dựng được cụm công nghiệp (hiện đang trong giai đoạn quy hoạch và kêu gọi đầu tư).
Từ đó, dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình kho, bãi tăng nhanh với số lượng rất lớn, bất chấp việc vi phạm pháp luật, do mang lại lợi nhuận cao khi cho thuê. Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý về trật tự xây dựng tại các địa phương.
Không chỉ vậy, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ, công chức được bố trí làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương còn thiếu, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế, kiến thức về kiểm tra xử lý trật tự xây dựng chưa được chuyên sâu, còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng chưa được thường xuyên, kịp thời.
Đáng nói, các chủ đầu tư có vi phạm còn cố tình né tránh, trì hoãn chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như chậm nộp tiền xử phạt, chưa tự khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm, chưa chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật.
Thêm vào đó, chính quyền địa phương vẫn còn nể nang trong việc tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, do đang trong thời gian cao điểm của mùa vụ sầu riêng, doanh nghiệp và người dân cần có nhà kho để bảo quản, thu mua sản phẩm...
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND huyện Krông Pắk tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền khi để xảy ra các tồn tại nói trên.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND thị trấn, UBND cấp xã tiến hành rà soát, lập hồ sơ xử lý, tham mưu xử lý dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn quản lý...