Cô đơn trong hôn nhân
Nhiều người cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình nhưng bạn đời của họ thì không hề nghĩ vậy, thậm chí còn cho rằng: Ai làm gì mà cô đơn? Vẽ chuyện…

Ảnh minh họa
Ai làm gì mà cô đơn?
"Tôi không làm gì sai, cũng không cãi nhau, sống đúng trách nhiệm" thì có gì mà cô ấy cô đơn? Là cô ấy xem nhiều phim ngôn tình quá nên mới vậy thôi. Nhiều người chồng cho rằng mình làm đúng bổn phận, trách nhiệm, không cãi nhau, chung thủy, không cờ bạc, rượu chè, thế là đủ.
Thậm chí, nhiều người đàn ông còn cho rằng: "Tôi kiếm tiền để lo cho gia đình, đó là cách tôi thể hiện tình yêu". Và đưa hết tiền cho vợ là chấm hết. Rồi đổ cho… giới tính: "Đàn ông mà, không giỏi bày tỏ cảm xúc, nhưng tôi vẫn lo cho cô ấy bằng hành động".
Những người phụ nữ (đôi khi cả đàn ông nữa) tìm đến chương trình của tôi tâm sự về nỗi cô đơn dằng dặc của họ trong những cuộc hôn nhân bình bình như thế. Vợ chồng nhiều khi chỉ giao tiếp lúc cần… nhờ vả nhau gì đó. Khiến bạn đời thấy mình chẳng khác gì… công cụ.
Hôn nhân mấy chục năm mà chưa từng một câu yêu thương, tất cả chỉ toàn những điều… tự đi mà hiểu. Rằng vợ chồng cần gì phải nói lời sến súa. Có người còn khẳng định: "Tôi đang nghe đây mà, tại sao em cứ nói tôi không quan tâm?".
Chỉ là nghe khác với lắng nghe. Nghe không phải là nhìn điện thoại, cắt ngang lời người ta nói, phán xét, hay trả lời hời hợt cho có, khiến người kia cảm thấy như lời nói, cảm xúc của họ không quan trọng.
Đôi khi chỉ là cái nắm tay giữa phố đông thôi, cũng thành cay xè mũi mắt nhiều người. Rằng lâu lắm rồi chồng họ, vợ họ chưa từng nắm tay họ. Đến cả làm tình cũng nháo nhào. Bảo sao họ không cảm thấy cô đơn?
Có một số những câu nói như dao cứa vào lòng mà nhiều người vợ kể cho tôi nghe như khi chồng họ nói: "Tôi không sai, tại sao lại phải xin lỗi? Tôi đâu có cố ý làm em buồn". Bỏ qua cảm xúc của vợ, chỉ chăm chăm đúng sai, không quan tâm đến những giọt nước mắt của vợ. Rồi chưa kể sau đó còn buông thõng câu: "Chuyện nhỏ xíu mà cũng để bụng, quá nhạy cảm".
Hôn nhân không phải mọi thứ đã xong xuôi. Không phải gặp nhau mỗi ngày rồi thì chẳng cần làm thêm gì nữa cả. Đừng để bạn đời của mình cô đơn dằng dặc ngay trong chính cuộc hôn nhân này. Là bởi bạn đã chẳng làm gì cả, bạn ơi!
Hôn nhân không cô đơn
Chúng ta vì không muốn cô đơn mà kết hôn với nhau. Vậy tại sao kết hôn với nhau rồi ta lại để bạn đời của mình cô đơn? Và cả mình nữa, mình đâu cần phải cô đơn khi mình có anh ấy/ cô ấy kia mà?

Ảnh minh họa
Người ta cô đơn vì người ta không thể giao tiếp được với nhau. Hôn nhân cần xây dựng dựa trên nền tảng giao tiếp chất lượng giữa hai vợ chồng. Mà muốn vậy, đầu tiên là sự Tôn Trọng. Khi hai vợ chồng tôn trọng nhau, giao tiếp khi ấy mới bình đẳng, chất lượng và gắn kết được.
Làm sao gọi là tôn trọng khi bạn luôn muốn "đá đểu" bạn đời hay bạn đời của bạn châm biếm, móc mỉa bạn? Cái gì gọi là tôn trọng nếu như họ chưa kịp nói hết câu bạn đã nhảy vào miệng họ, bạn chia sẻ cảm xúc của bạn nhưng bạn đời của bạn phủ quyết, thậm chí chả quan tâm đến cảm xúc của bạn?
Học tôn trọng nhau trước khi nói và đừng nói nếu như bạn không tôn trọng hay không nhận được sự tôn trọng từ đối phương.
Là nghe nữa. Nghe không chỉ bằng tai, bằng mắt thấy mà còn bằng trái tim cảm nhận nữa. Là bạn đã yêu anh ấy/ cô ấy đủ để nghe được bằng tim bạn chưa? Bằng tim nên có sự đồng cảm, thấu hiểu. Là đặt mình vào vị trí của nhau đi. Có hiểu mới có thương.
- Nghiên cứu từ Journal of Marriage and Family (năm 2023) chỉ ra rằng, người cô đơn trong hôn nhân có nguy cơ trầm cảm cao gấp 2-3 lần so với người có hôn nhân hạnh phúc.
- Cảm giác bị mắc kẹt trong mối quan hệ không được đáp ứng nhu cầu tình cảm dẫn đến rối loạn lo âu kéo dài.
- Cortisol (hormone stress) tăng cao do cô đơn mãn tính làm giảm khả năng chống viêm nhiễm (Đại học Carnegie Mellon, 2022).
- Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người cô đơn trong hôn nhân có tỷ lệ mắc bệnh tim cao hơn 29% do stress kéo dài.
- Nghiên cứu dài 20 năm của Đại học Harvard trên 10.000 người kết hôn cho thấy, cô đơn làm tăng 26% nguy cơ tử vong sớm.
- Cảm giác cô đơn dễ biến thành sự phẫn nộ, dẫn đến cãi vã, lạm dụng tình cảm hoặc thể xác (Tổ chức Y tế Thế giới, 2021).
- Khảo sát từ Viện Gottman cho thấy, 68% trường hợp ngoại tình bắt nguồn từ việc một bên tìm kiếm sự kết nối bên ngoài do thiếu thốn trong hôn nhân.
- Thống kê từ Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ (2023): Cô đơn là nguyên nhân đứng thứ 2 (sau vấn đề tài chính) dẫn đến ly hôn ở các cặp vợ chồng dưới 50 tuổi.
- Trẻ sống trong gia đình có bố mẹ "cùng nhà nhưng xa cách" dễ mắc rối loạn hành vi, học tập sa sút (Nghiên cứu của Đại học Cambridge, năm 2020).
- Trẻ chứng kiến bố mẹ cô đơn thường có mô hình gắn bó không an toàn, dẫn đến khó xây dựng hôn nhân lành mạnh khi trưởng thành (Theory of Attachment - Bowlby, năm 1969).
Có thương sẽ hiểu nhau nhiều hơn, sâu hơn vậy. Mỗi người đều có một ngôn ngữ yêu thương khác nhau, việc hiểu rõ ngôn ngữ yêu thương của bản thân và bạn đời sẽ giúp việc thể hiện yêu thương chạm hơn, trúng hơn, hiệu quả hơn vậy.
Và hơn thế, nghiên cứu đăng trên tạp chí Trị liệu tình dục & hôn nhân (Mỹ) tháng 2/2025 phân tích dữ liệu từ hơn 1.600 cặp vợ chồng cho thấy, những cặp thường xuyên thực hành lòng biết ơn và tha thứ ít cảm thấy cô đơn hơn và có mức độ hài lòng với hôn nhân cao hơn.
Bạn thân mến của tôi ơi! Hôn nhân của bạn bao năm qua đã lúc nào thực hành lòng biết ơn với nhau chưa? Là bạn đã bao giờ nói cảm ơn bạn đời của mình? Một cách rõ ràng như cảm ơn bạn đời vì đã đổ xăng cho chiếc xe của bạn/ đã nấu bữa cơm này/ đã về sớm hơn giúp bạn kịp giờ đi họp lớp…
Những lời cảm ơn cụ thể, rõ ràng không hề sến súa đâu. Nó chính là những lời thì thầm yêu thương đấy!
Là hãy biến những điều tuyệt vời thành thói quen đi. Như hôn nhau trước khi ngủ, lúc thức giấc hay nhiều hơn: Nói cho bạn đời biết mình trân trọng hôn nhân này ra sao, biết ơn bạn đời của mình thế nào? Nói ra lời biết ơn khó lắm sao? Chẳng lẽ bạn không có một mảy may sự biết ơn nào trong bạn?
Tha thứ cũng vậy! Đừng nghĩ tha thứ làm mình thua thiệt hay đừng sợ tha thứ khiến bạn đời không còn tôn trọng hay sợ mình nữa. Nhiều người hiểu sai rằng tha thứ là lãng quên lỗi lầm. Thực tế, tha thứ là lựa chọn buông bỏ sự oán giận để nó không bào mòn cảm xúc và mối quan hệ.
Tha thứ chính là giải phóng mình khỏi nỗi cô đơn dằng dặc vậy. Để đặt mình vào vị trí bạn đời mà hiểu và buông xuống. Họ cũng cô đơn xiết bao khi chưa được ta tha thứ đấy chứ!
Hôn nhân không cô đơn bắt đầu từ chính mình không muốn bạn đời cô đơn, không để mình phải cô đơn trong chính cuộc hôn nhân này!
"THỰC ĐƠN" 7 NGÀY ĐUỔI CÔ ĐƠN TRONG HÔN NHÂN
Nguyên liệu cần có:
1 trái tim chân thành
Đôi tai biết lắng nghe
Một chút kiên nhẫn
Một chút thấu hiểu
Vài "muỗng canh" đồng cảm
"Một ly" đầy lòng trân trọng
Tiêu đề: Sự chủ động
Thứ Hai: "Bát canh" Thấu Hiểu
Một "bát canh" ấm áp từ những câu hỏi nhẹ nhàng:
"Dạo này anh thấy thế nào?"
"Có điều gì làm anh mệt mỏi không? Em có thể giúp không?"
"Anh có muốn kể lại chuyện hôm nay với em không?"
"Nấu" bằng lắng nghe không phán xét, thêm vào một chút đồng cảm.
Thứ Ba: "Món súp" lòng biết ơn
Mỗi ngày, hãy múc một "muỗng" lòng biết ơn:
"Cảm ơn em vì đã nấu bữa tối!"
"Cảm ơn anh vì đã thức khuya trông con!"
Ăn kèm với "bánh mì" nhận diện nỗ lực, giúp người kia cảm thấy mình không vô hình.
Thứ Tư: "Gỏi" giao tiếp
Không Xung Đột
Trộn đều các nguyên liệu:
Một phần "Tôi cảm thấy…"
Một phần "Tôi không đổ lỗi…"
Chút gia vị "Em nghĩ sao về chuyện này?"
Dọn kèm với "nước sốt" tôn trọng và kiên nhẫn - đảm bảo dễ nuốt, khó cãi vã.
Thứ Năm: "Lẩu" kết nối
Cảm Xúc
"Nước lẩu" được ninh từ:
1 buổi tối không điện thoại
1 bộ phim xem cùng
1 chén trà nóng và vài câu chuyện cười
Nhúng vào đó vài "miếng thịt" chia sẻ nội tâm:
"Dạo này em cảm thấy mình hơi lạc mất anh…"
"Anh nhớ cái cảm giác hai đứa hay nói chuyện suốt đêm…"
Thứ Sáu: "Món nướng" cử chỉ thân mật
"Món nướng" thơm lừng từ những cử chỉ thân mật:
Một cái ôm chào buổi sáng
Một nụ hôn tạm biệt
Một lần nắm tay khi đi dạo
Một lần vuốt tóc lúc ngồi cạnh nhau
Ăn kèm với "nước sốt" tình cảm chân thật - giúp hâm nóng cả thể xác lẫn trái tim.
Thứ Bảy: "Chiếc bánh" không hoàn hảo
Một "chiếc bánh" không cần đẹp nhưng phải ngọt ngào:
Anh nấu ăn hơi tệ, nhưng vẫn cố gắng làm em vui
Em cố gắng lắng nghe dù chưa hiểu hết cảm xúc của anh
"Gia vị" đặc biệt: bỏ qua kỳ vọng hoàn hảo, chỉ cần chân thành.
Chủ Nhật: "Món tráng miệng" ngôn từ yêu thương
Những lời ngọt ngào như kem mát lạnh:
"Anh/em may mắn vì có em/anh!"
"Chúng ta vẫn đang ở đây bên nhau, dù mọi thứ đôi khi không dễ dàng"
"Em/anh có thể giận, nhưng đừng quên anh/em vẫn yêu em/anh"
Rắc thêm hạnh phúc bằng những lời khen chân thành.
Thưởng thức & lưu ý:
Ăn mỗi ngày, không bỏ bữa.
Có thể ăn chậm, nhưng đừng bỏ đói cảm xúc.
Ăn cùng nhau - không chia ly.
Nếu bữa nào nguội lạnh, hãy hâm lại bằng một tin nhắn nhỏ, một cái ôm bất ngờ , hoặc một câu "Nhớ em/anh!" nhẹ nhàng.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-don-trong-hon-nhan-20250714145826699.htm