Cổ đông lớn liên tục bán cổ phiếu trong bối cảnh kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế đến âm vốn chủ sở hữu, Địa ốc Đà Lạt (DLR) sắp đổi chủ?

Các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ đã bán ra gần 30% lượng cổ phiếu lưu hành của CTCP Địa ốc Đà Lạt (mã DLR). Tính đến cuối quý 2/2024, DLR lỗ lũy kế đến 68,7 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu âm 15,7 tỷ đồng.

Cổ đông lớn liên tục bán ra, Địa ốc Đà Lạt (mã DLR) có dấu hiệu đổi chủ?

Thời gian gần đây CTCP Địa ốc Đà Lạt (mã DLR) xuất hiện hàng loạt giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ theo chiều bán ra. Từ đầu tháng 7 đến nay, hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung và ông Ngô Phước đã bán ra lần lượt 119.500 cổ phiếu và gần 9.000 cổ phiếu DLR. CTCP Magnolia Investment và ông Lê Ngọc Khánh Việt đều đã bán hơn 600.000 cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn.

 Từ đầu tháng 7 đến nay, CTCP Địa ốc Đà Lạt (mã DLR) đã xuất hiện hàng loạt giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ theo chiều bán ra.

Từ đầu tháng 7 đến nay, CTCP Địa ốc Đà Lạt (mã DLR) đã xuất hiện hàng loạt giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ theo chiều bán ra.

Ước tính, các cổ đông lớn và người nội bộ đã bán ra tổng số cổ phiếu bán ra khoảng gần 30% lượng cổ phiếu lưu hành của DLR chỉ trong khoảng 3 tuần. Bên mua chưa được tiết lộ nhưng theo một số đồn đoán, nhóm cổ đông mới có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm về phát triển bất động sản.

Theo đó, nhóm cổ đông mới đã làm việc cùng lãnh đạo Công ty để bàn thảo kế hoạch tổ chức ĐHCĐ trong tháng 8/2024 với nhiều nội dung quan trọng, dự trình ĐHCĐ kế hoạch tăng vốn 500 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn vực lại hoạt động kinh doanh của công ty, bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới. Bên cạnh đó là mục tiêu đưa cổ phiếu ra diện kiểm soát và tiến đến niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào năm 2026.

Năm 2023, ĐHCĐ của DLR không thể tổ chức do xảy ra tranh chấp cổ phiếu giữa ông Trịnh Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT với ông Phan Tấn Dũng và ông Lê Ngọc Khánh Việt đang đứng tên. Tổng số lượng cổ phiếu là 1,32 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 29,4% vốn của DLR. Theo một số nguồn tin, số lượng cổ phiếu này đã được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và được phép giao dịch trở lại, dự kiến sẽ chuyển nhượng toàn bộ cho nhóm cổ đông mới.

HĐQT DLR hiện có 5 thành viên là ông Trịnh Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT; ông Quách Tấn Hải, Phó chủ tịch HĐQT; và bà Lê Thị Kim Chính, ông Nguyễn Quang Trung, ông Ngô Phước là các thành viên. Sau giao dịch rút vốn, nhiều khả năng những thành viên này sẽ từ nhiệm, đồng thời không tham gia ứng cử/đề cử HĐQT DLR nhiệm kỳ mới; thay vào đó, nhóm cổ đông mới sẽ đề cử nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ mới để ĐHCĐ dự kiến tổ chức vào tháng 8/2024 thông qua.

Trong cơ cấu cổ đông của DLR, ông Đinh Thanh Tâm – Tổng giám đốc công ty đang là cổ đông lớn thứ 2 nắm giữ 1,1 triệu cổ phiếu DLR, tương đương 24,5% vốn điều lệ. Ông Tâm được bổ nhiệm từ 9/2/2021 đến nay và nhiều khả năng sẽ là ứng viên tham gia HĐQT công ty nhiệm kỳ tới.

Đáng chú ý, ông Đinh Thanh Tâm còn là cổ đông lớn của CIC Group (mã CKG), trực tiếp sở hữu 4,8 triệu cổ phiếu CKG, tương ứng 5,12% vốn điều lệ. Mới đây, cá nhân này cũng đã được ĐHCĐ 2024 của CKG bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026, giữ vai trò là Phó chủ tịch HĐQT. Đáng chú ý, ông Tâm đã đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu CKG (tỷ lệ 5,25%) với lý do để đầu tư. CKG lđược biết đến là nhà phát triển bất động sản với 2 thị trường trọng điểm tại thành phố Rạch Giá và Phú Quốc, Kiên Giang.

Kinh doanh bết bát

Địa ốc Đà Lạt thành lập từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Kinh doanh & Phát triển nhà Lâm Đồng và chính thức hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần từ đầu năm 2008, vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng, tương đương 4,5 triệu cổ phiếu. Địa ốc Đà Lạt chính thức niêm yết trên HNX vào ngày 20/5/2010 với mã chứng khoán DLR.

Tình hình kinh doanh của DLR lao dốc mạnh từ năm 2013 với nhiều năm thua lỗ nặng. Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, doanh nghiệp này chỉ có lãi trong 2 năm 2015 và 2023 với những con số khiêm tốn chỉ 1,4 tỷ và 0,4 tỷ đồng. Sau nhiều năm thua lỗ, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, cổ phiếu DLR bị hủy niêm yết bắt buộc từ 24/5/2019 và xuống giao dịch tại UPCoM.

Sau quý đầu năm 2024 lỗ ròng gần 1,1 tỷ đồng, DLR đã có lãi trở lại trong quý 2 vừa qua với lợi nhuận sau thuế gần 1,3 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với số lỗ 1,7 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm ở mức hơn 200 triệu đồng. Dù kinh doanh có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DLR lại âm hơn 200 triệu trong nửa đầu năm trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 1,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 2/2024, DLR lỗ lũy kế đến 68,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 15,7 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản này gần như đi ngang so với đầu năm ở mức gần 54 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn giảm 8,5 tỷ so với đầu năm nhưng các khoản phải trả khác lại tăng đột biến từ 5 tỷ lên 42,6 tỷ đồng.

Ánh Dương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-dong-lon-lien-tuc-ban-co-phieu-trong-boi-canh-kinh-doanh-bet-bat-lo-luy-ke-den-am-von-chu-so-huu-dia-oc-da-lat-dlr-sap-doi-chu-post304501.html