Đa số doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ về CBAM

Đến nay, đa số doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, hay chưa chính xác về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), dẫn đến việc phản ứng và chuẩn bị áp dụng chưa có hiệu quả.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU. Từ 1/10/2023, CBAM trước mắt áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Từ 1/1/2026, CBAM chính thức vận hành sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên đến nay, đa số doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, hay chưa chính xác về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), dẫn đến việc phản ứng và chuẩn bị áp dụng chưa có hiệu quả.

Thông tin này được các diễn giả đưa ra tại tọa đàm “Ứng phó hiệu quả với cơ chế CBAM: Vai trò của cơ quan đầu mối trong hỗ trợ doanh nghiệp” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16/9.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ khi CBAM được hình thành và căn cứ trên báo cáo của cơ quan ngoại giao, đại diện Thương vụ của Việt Nam tại EU đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Sau đó Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đánh giá tác động của CBAM đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bao gồm kể cả trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên EU.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai việc đánh giá, nghiên cứu cũng như tham khảo ý kiến các báo cáo của các tổ chức có uy tín của Liên hợp quốc, để từ đó xây dựng báo cáo với Chính phủ tổng quan về những tác động của CBAM đối với trao đổi thương mại của Việt Nam nói chung và nhất là hoạt động xuất xuất khẩu của Việt Nam đối với 6 ngành chịu ảnh hưởng của CBAM.

Qua một thời gian theo dõi, đánh giá

Bộ Công Thương

đưa ra những nhận xét về tình hình triển khai cũng như những hoạt động ứng phó của doanh nghiệp. Đáng lưu ý, báo cáo này cũng được xin ý kiến đầy đủ các bộ, ngành có liên quan và Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương, vừa rồi Chính phủ đã thống nhất với đề xuất và chính thức giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai các hoạt động liên quan đến CBAM.

Bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, khảo sát cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp về CBAM từ khi chưa áp dụng đến nay ở giai đoạn chuyển tiếp về CBAM, chưa được nâng lên. Ngoài một số doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp đã có sự chuẩn bị nghiêm túc để ứng phó thì hầu hết doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ, chính xác về CBAM, dẫn đến những phản ứng, chuẩn bị chưa hiệu quả.

Ông Đinh Quốc Thái- Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Đinh Quốc Thái- Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Để ứng phó với CBAM, ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế CBAM với sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng đó, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn để tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về CBAM. Ngoài ra, phối hợp và khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho cán bộ quản lý chủ chốt liên quan đến xuất khẩu về CBAM. Đặc biệt, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, áp dụng giải pháp hoạt động, vận hành sản xuất theo hướng xanh.

Ông Đinh Quốc Thái mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và nhất là Bộ Công Thương nhanh chóng trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững. Cùng đó, doanh nghiệp cần có những sự hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, công nghệ kỹ thuật cũng như hỗ trợ vốn từ các quỹ tín dụng xanh. Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, tạo chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thép xanh.

Theo ông Ngô Chung Khanh, CBAM có thể sẽ mở rộng thêm các mặt hàng chịu sự điều chỉnh của hệ thống ITS của EU. Bên cạnh đó, không nên chủ quan đối với những ngành chưa bị điều chỉnh của CBAM. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng thay đổi mô hình sản xuất xanh. Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành sẽ triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn, hiệu quả hơn theo đúng định hướng Chính phủ đã phê duyệt.

Ông Ngô Chung Khanh cho hay, Bộ Công Thương mong muốn làm cổng thông tin về CBAM, tương tự như cổng CBAM của EU bằng tiếng Anh để Việt hóa và chi tiết hóa ra. Đấy là điểm rất quan trọng vì nếu có cổng chi tiết được đi từng ngõ ngách giải thích rồi hướng dẫn chi tiết,mà làm bằng tiếng Việt, Bộ Công Thương sẽ có một kênh chính thức chính thống giúp doanh nghiệp Việt Nam cần có thể truy cập được.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải xây dựng các bộ tài liệu cẩm nang hướng dẫn chính thống từ Bộ Công Thương. Đây chính là một tài liệu chính thống, sau khi đã được xác nhận đầy đủ, Bộ Công Thương cũng phải thận trọng và những tài liệu đấy để trao đổi với EU về cách hiểu có đúng hay không…

Ngoài ra, sẽ triển khai các giải pháp cho 4 nhóm giải pháp Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ, đó là liên quan đến chuyện tổ chức phối hợp các bộ, ngành xây dựng biện pháp hỗ trợ hay phối hợp Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp về tín dụng… để giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cũng như đối phó hiệu quả với CBAM trong thời gian tới.

Bnews/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-so-doanh-nghiep-chua-hieu-day-du-ve-cbam/347260.html