Cô gái 9x đắm mình với điệu múa Khmer

Chính tình yêu sâu đậm với nghệ thuật múa truyền thống đã giúp Thạch Thị Ni Ta, cô gái Khmer sinh năm 1997 miệt mài với hành trình truyền lửa cho các bạn trẻ…

Thạch Thị Ni Ta dạy múa cho các em nhỏ đồng bào Khmer tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: TTXVN)

Thạch Thị Ni Ta dạy múa cho các em nhỏ đồng bào Khmer tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: TTXVN)

Thạch Thị Ni Ta sinh ra và lớn lên ở một vùng quê xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) – nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Ngay từ nhỏ, mỗi lần nhìn thấy các anh chị, diễn viên của các đoàn nghệ thuật đến ca, múa, Ni Ta rất thích và về nhà tự luyện tập theo. Đến năm lớp 8, Ni Ta tham gia các hoạt động múa ở trường và lớp năng khiếu, từ đó có thêm động lực, tự tin múa hát mỗi khi ở địa phương có lễ, tiệc.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn các chuyên ngành Kinh tế, Nông nghiệp, Luật, Sư phạm… thì Ni Ta quyết tâm thi đỗ vào ngành Múa dân tộc, trường Đại học Trà Vinh. Trong thời gian dài, Ni Ta luyện tập từng động tác tay, chân, lưng… cho đến việc hiểu và cảm thụ nhạc để có thể truyền tải được “cái hồn” qua từng điệu múa, cử chỉ. Không chỉ múa, Ni Ta còn biết sử dụng được các loại nhạc cụ truyền thống và các loại hình sân khấu của đồng bào Khmer.

Rời giảng đường Đại học, Ni Ta "bén duyên" với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đồng bào dân tộc trong các dịp lễ, tết cổ truyền của đồng bào Khmer và trở thành một trong những diễn viên múa nòng cốt của Tổ ca múa dân tộc Khmer.

Thạch Thị Ni Ta tập múa cùng các thành viên Tổ ca múa dân tộc Khmer thuộc Trung Tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: TTXVN)

Thạch Thị Ni Ta tập múa cùng các thành viên Tổ ca múa dân tộc Khmer thuộc Trung Tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. (Nguồn: TTXVN)

Qua thời gian gắn bó với Trung tâm, Ni Ta nhận thấy ngày càng có ít thanh thiếu nhi dân tộc Khmer biết đến nghệ thuật múa truyền thống của dân tộc. Từ đó, cô mạnh dạn đề xuất mở các lớp múa nghệ thuật tại các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm.

Đến với lớp học múa, Ni Ta không chỉ uốn nắn từng động tác, phân tích từng cử chỉ cho các em mà còn khuyến khích, tạo điều kiện để các em tham gia nhiều hội thi, hội diễn để vừa trau dồi kỹ năng vựa tăng thêm đam mê, động lực theo đuổi bộ môn này.

Kể từ những lớp dạy kèm miễn phí cho các em người dân tộc vào năm 2018, đến nay, qua sự rèn luyện của cô, hàng trăm em đã trở thành diễn viên múa của trung tâm văn hóa huyện, tỉnh.

Ni Ta chia sẻ, bản thân cô "có điều kiện học tập, thành thạo nhiều điệu múa nên truyền lại cho các em”. Hơn nữa, việc truyền dạy cũng chính là “góp phần gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Sau các lớp dạy múa, các em được tham gia biểu diễn, hội thi đạt thành tích cao là mình thêm tự hào”.

Nhận xét về Ni Ta, ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao đóng góp của “cô gái múa” 9x đối với Trung tâm trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giữ gìn bản sắc dân tộc mà Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành chương trình để Trung tâm thực hiện. Trong đó, Trung tâm đã thành lập được 2 đội nghệ thuật văn nghệ quần chúng của người dân tộc Khmer.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tạo điều kiện để Ni Ta đến với các lớp dạy múa để truyền đam mê và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho các bạn trẻ đồng bào Khmer, tổ chức các sân chơi, hội diễn để lực lượng này được tham gia thể hiện năng lực, từ đó phát hiện và bồi dưỡng, góp phần đào tạo lực lượng trẻ, xây dựng được phong trào văn hóa, nghệ thuật tại các địa phương có đồng bào Khmer sinh sống.

Một số giải thưởng của Thạch Thị Ni Ta:

HCV tiết mục “Nghi thức lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer” trong Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại Bà Rịa-Vũng Tàu (11/2020).

HCĐ tiết mục múa “Tình đất” tại Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2020” tại Thừa Thiên Huế (12/2020).

Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long dành cho cá nhân có thành tích đạt giải các hội thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc năm 2020 (3/2021).

Giải B trình diễn trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tại Ngày hội Văn hóa - thể thao - du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2022 tạiSóc Trăng.

1 giải A, 2 giải B, 1 giải C tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng đồng bào Khmer…

Hoàng Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-gai-9x-dam-minh-voi-dieu-mua-khmer-251458.html