Cô gái chỉ có 1 tỷ vẫn muốn vay mua nhà, dân mạng vội khuyên can: 'Quá liều'
Nhiều người phản đối kế hoạch mua nhà của cô gái này.
Giữa bối cảnh bất động sản phi mã từng ngày, việc người trẻ vay nợ để sở hữu một căn nhà không còn là điều hiếm gặp. Với mức thu nhập trung bình khó theo kịp tốc độ tăng giá nhà đất, vay mua nhà được xem là lựa chọn gần như tất yếu nếu muốn an cư. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là người vay cần xác định rõ khả năng trả nợ của mình. Một kế hoạch tài chính thiếu tính toán không chỉ khiến họ sống trong áp lực nợ nần triền miên, mà trong kịch bản tệ nhất, họ có thể phải bán chính căn nhà đã từng là giấc mơ của mình để gỡ gạc lại cuộc sống.
"Có 1 tỷ mà vay nợ mua nhà là quá liều"
Mới đây trên MXH, một người dùng đã tâm sự về ý định vay tiền tỷ mua nhà của mình. Bài đăng nhanh chóng nhận được sự quan tâm và tranh luận.
Người này viết: "Em đang dự kiến mua 1 căn nhà 4,5 tỷ. Nhưng:
- Em có 1 tỉ,
- Em vay được người nhà:
+ 1 tỷ không lãi suất (trả dần 8 triệu/tháng).
+ 600 triệu theo lãi suất gửi và trả dần.
- Còn lại 1 tỷ 7 em định vay gói lãi suất ưu đãi mua nhà - sau đó lại đi vay người nhà gối vào trả lãi ngân hàng.
Khả năng chi trả tổng khoản nợ hàng tháng của em là 40 triệu ( cố định).
Các bác cho em xin ý kiến như vậy có mạo hiểm quá không ạ? Em đội ơn các bác ạ".

Cô nàng cầm 1 tỷ mua nhà mà ai cũng ngăn cản. Ảnh minh họa
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cho rằng cô nàng chỉ có 1 tỷ nhưng dám mua nhà 4,5 tỷ là quá liều lĩnh. Kế hoạch mua nhà này là quá rủi ro và không khả thi về mặt quản lý tài chính.
"Có 1 tỷ mà dám đi mua nhà là quá liều" - một người thẳng thắn bày tỏ.
"Vay thế là quá tải rồi bạn ạ. Mình mỗi tháng để ra bình quân 50 triệu trả nợ mà vay 1 tỷ còn đang thấy mệt hết cả người, đấy là mình còn được vay ưu đãi lãi suất cán bộ bank 5,2%/1 năm rồi đấy!" - một người cho lời khuyên.
"Mạo hiểm quá, cuộc sống, công việc không phải lúc nào cũng như ý muốn đi (giờ nghĩ là có 40 triệu cố định để trả chứ 1,2,3..... năm nữa chưa biết thế nào ). Mua nhà nên có ít nhất 50% hoặc không thì phải có 70% chứ như kia mới có hơn 20% thôi" - người khác nhận định.
Tính toán tài chính như thế nào để mua nhà?
Không ít người trẻ hiện nay đang rơi vào tình cảnh: giá nhà leo thang từng quý, trong khi mức lương thì giậm chân tại chỗ. Giấc mơ sở hữu một mái nhà tưởng chừng chỉ dành cho người có sẵn điều kiện kinh tế hoặc được hỗ trợ từ gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu có kế hoạch tài chính rõ ràng, việc mua nhà không phải là điều quá xa vời.
1. Xác định rõ khả năng tài chính của bản thân
Rất nhiều người bắt đầu bằng việc đi xem nhà, hỏi ngân hàng vay được bao nhiêu, trong khi lại chưa nắm rõ chính mình đang có gì trong tay. Trước hết, hãy ngồi xuống và liệt kê một cách trung thực các nguồn lực hiện có:
- Số tiền tiết kiệm đang có
- Khả năng tiết kiệm hàng tháng
- Có hay không sự hỗ trợ tài chính từ gia đình
- Mức thu nhập ổn định hàng tháng hoặc hàng năm
- Các khoản nợ hiện tại (nếu có)
Một nguyên tắc phổ biến trong giới tài chính là tổng giá trị căn nhà nên nhỏ hơn từ năm đến bảy lần thu nhập hàng năm của bạn. Nếu bạn đang có mức thu nhập khoảng 300 đồng mỗi năm, thì nên nhắm đến những căn nhà có giá từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Việc này nhằm đảm bảo bạn có thể gánh vác khoản vay một cách an toàn và bền vững.

Hãy tính toán tài chính kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua nhà
2. Chuẩn bị trước ít nhất ba mươi phần trăm giá trị căn nhà
Không nên vay ngân hàng toàn bộ giá trị căn nhà. Dù một số ngân hàng có thể cho vay tới 80% hoặc thậm chí 90%, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trả lãi rất cao và rủi ro mất khả năng chi trả là rất lớn.
Tỷ lệ vay được cho là an toàn nằm ở mức dưới 70%. Tốt nhất, bạn nên có sẵn ít nhất 30% giá trị bất động sản trong tay. Ví dụ, nếu căn nhà bạn muốn mua có giá 2 tỷ đồng, hãy cố gắng có sẵn khoảng 600 triệu đồng trước khi đặt cọc.
Khoản tiền này không chỉ giúp giảm áp lực trả nợ hàng tháng mà còn khiến bạn trở nên uy tín hơn trong mắt ngân hàng. Đồng thời, bạn cũng có dư địa tài chính để lo các khoản chi ngoài dự tính như phí sang tên, nội thất, hoặc sửa chữa ban đầu.
3. Tính toán chi phí hàng tháng sau khi mua nhà
Một sai lầm lớn mà nhiều người trẻ mắc phải là chỉ tính phần trả góp cho ngân hàng mà quên mất các chi phí đi kèm. Khi bạn sở hữu một căn nhà, dù là nhà đất hay chung cư, sẽ có rất nhiều khoản phát sinh đều đặn mỗi tháng như: phí lãi và gốc vay ngân hàng; tiền điện, nước, internet; phí dịch vụ (nếu là chung cư); chi phí bảo trì, sửa chữa nhỏ; chi phí sinh hoạt cố định cho gia đình,...
Để không rơi vào cảnh nợ nần triền miên, bạn cần đảm bảo rằng khoản chi trả nợ ngân hàng mỗi tháng không vượt quá 40% tổng thu nhập. Nếu bạn đang kiếm được 20 triệu/tháng, hãy chỉ vay ở mức sao cho tổng tiền trả góp hàng tháng dưới 8 triệu đồng.
Hãy tưởng tượng bạn vừa mua nhà nhưng không còn đủ tiền để sinh hoạt tối thiểu, khi đó ngôi nhà không còn là tổ ấm mà trở thành gánh nặng tâm lý kéo dài.
4. Có sẵn quỹ dự phòng từ ba đến sáu tháng chi tiêu
Dù bạn có lên kế hoạch kỹ tới đâu thì vẫn không thể lường trước hết mọi biến cố. Bạn có thể mất việc, bị ốm, công việc kinh doanh gặp khó khăn hoặc gia đình có việc đột xuất cần tiền gấp. Trong những trường hợp đó, nếu không có quỹ dự phòng, bạn sẽ buộc phải vay nóng hoặc thậm chí bán lại căn nhà mình đang ở để trả nợ.
Đó là lý do bạn cần chuẩn bị một khoản tiền tương đương 3-6 tháng chi tiêu tối thiểu. Nếu một tháng bạn cần 15 triệu để sống, hãy giữ lại tối thiểu từ 45-90 triệu đồng làm làm quỹ dự phòng. Khoản tiền này không dùng để mua nhà, không dùng để đầu tư, mà chỉ dành cho những tình huống khẩn cấp.
Người có quỹ dự phòng luôn có cảm giác yên tâm hơn khi bước vào một hành trình dài hạn như trả góp mua nhà.