Cô gái người Thổ cất bằng đại học, về 'hồi sinh' những cánh rừng cằn cỗi

Học xong đại học, cô gái người Thổ Nguyễn Lê Ngọc Linh đã 'gác' lại tấm bằng để về quê 'hồi sinh' những cánh rừng cằn cỗi, với mong muốn tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân địa phương.

Bỏ phố về quê trồng rừng

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990, dân tộc Thổ ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng có một công việc ổn định, thu nhập tốt ở nơi phố thị.

Nguyễn Lê Ngọc Linh biến đất rừng cằn cỗi thành "vườn rừng bản Thổ". Ảnh: Lê Dương

Nguyễn Lê Ngọc Linh biến đất rừng cằn cỗi thành "vườn rừng bản Thổ". Ảnh: Lê Dương

Linh sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, xung quanh cũng là những người gắn bó với đất đai, cây cối nên cô hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân. Điều đó thôi thúc người con gái Thổ này quyết tâm tìm hướng đi cho việc tận dụng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần xây dựng môi trường phát triển bền vững tại quê hương.

Đó là lý do Linh rời Hà Nội về quê, thực hiện mô hình “vườn rừng Bản Thổ”.

“Xác định đất quê đầy khó khăn, nhưng tôi muốn thay đổi mô hình trồng rừng để mang lại kinh tế bền vững cho địa phương. Vậy nên, tôi rất quyết tâm, tràn đầy khí thế khi bắt tay vào việc” - chị Linh chia sẻ.

Mỗi năm, "vườn rừng bản Thổ" của Linh đón hàng trăm lượt khách đến thăm quan. Ảnh: Lê Dương

Mỗi năm, "vườn rừng bản Thổ" của Linh đón hàng trăm lượt khách đến thăm quan. Ảnh: Lê Dương

Năm 2019, giữa lúc bạn bè đồng trang lứa mải miết trên con đường sự nghiệp nơi phố thị náo nhiệt thì Linh về quê, mượn bố mẹ 3ha đất rừng cằn cỗi của gia đình để cải tạo.

Cô vừa khao khát tái sinh những cánh rừng, vừa mong muốn bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao vị thế cho người phụ nữ dân tộc miền núi ngay trên chính mảnh đất quê mình.

Đồng thời, Linh còn mong muốn tạo nên một hệ sinh thái thực phẩm, mang đến cho khách hàng sự kết tinh, sức sống và năng lượng chữa lành từ rừng xanh.

Hàng ngày, Linh ra vườn chăm sóc cho các loại cây. Ảnh: Lê Dương

Hàng ngày, Linh ra vườn chăm sóc cho các loại cây. Ảnh: Lê Dương

“Vườn rừng Bản Thổ là một mô hình vừa tái tạo rừng, các nguồn gen thực vật bản địa, vừa tạo sinh kế bền vững cho bà con, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số và người yếu thế (phụ nữ, hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Thông qua việc khai thác dược liệu dưới tán rừng và đưa công nghệ vào chế biến, chúng tôi tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn, nâng cao giá trị các sản phẩm, tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường.

Bản Thổ được lập ra cũng với mục đích liên kết đồng bào và hướng tới tạo ra một hình thức du lịch mới kết hợp cả ba yếu tố: du lịch - văn hóa - nông nghiệp” - Linh chia sẻ.

Một trong số loại dược liệu trong khu rừng của cô gái Thổ. Ảnh: Lê Dương

Một trong số loại dược liệu trong khu rừng của cô gái Thổ. Ảnh: Lê Dương

Tạo kế sinh nhai bền vững

Từ một vùng đất cằn cỗi, đến nay, cô gái Thổ nhỏ nhắn đã phủ xanh được 3ha đồi trọc bằng hơn 100 loài cây.

Cô đã khôi phục, bảo tồn gen một số cây rừng bản địa như lim, trám, dẻ, sả sịa (màng tang), mắc khén, dổi nếp; trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phù hợp thổ nhưỡng địa phương như bưởi, ổi, mít, hồng xiêm, na, xoài, dứa, chuối, đu đủ, đào, mận…; phát triển các cây dược liệu như chùm ngây, thiên môn đông, gừng, tỏi, nghệ, cúc hoa, đậu biếc, bồ công anh… Cô canh tác theo phương thức hữu cơ, tự chủ vật tư đầu vào là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ làm từ cây cỏ để không gây tổn hại cho con người và hệ sinh thái tự nhiên.

Sản phẩm trà dược liệu. Ảnh: Lê Dương

Sản phẩm trà dược liệu. Ảnh: Lê Dương

Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Bản Thổ được Linh thành lập với 7 thành viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo. HTX liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng và xây dựng xưởng chế biến các thảo dược lên men cùng mật ong.

Ngoài ra, HTX còn lên kết với 7 hộ trồng dược liệu theo hướng hữu cơ, nâng tổng diện tích cả vùng lên 7ha; liên kết mở rộng với các HTX nuôi ong trên địa bàn huyện Như Xuân và một số huyện trong tỉnh như Cẩm Thủy, Thạch Thành.

Các sản phẩm của Linh sản xuất đã được chứng nhận Ocop 3 sao. Ảnh: Lê Dương

Các sản phẩm của Linh sản xuất đã được chứng nhận Ocop 3 sao. Ảnh: Lê Dương

“Hiện doanh thu chính và được HTX chú trọng để phát triển thành sản phẩm mũi nhọn là mật ong lên men, các thảo dược kết hợp cùng mật ong lên men tạo nên những sản phẩm riêng biệt. Sản phẩm hiện đã được Ocop 3 sao” - Linh "khoe".

Theo lãnh đạo xã Hóa Quỳ, mô hình "vườn rừng Bản Thổ" và HTX Bản Thổ đã trở thành nguồn cảm hứng, tạo động lực cho những thanh niên khác tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, HTX còn giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương (làm thường xuyên và thời vụ), thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

HTX Bản Thổ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Lê Dương

HTX Bản Thổ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Lê Dương

Hàng năm, “vườn rừng bản Thổ” đón tiếp hàng trăm lượt học sinh, sinh viên, tình nguyện viên trong và ngoài nước đến thực tập, trải nghiệm và học hỏi.

Những nỗ lực của Linh đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng uy tín, tiêu biểu như: giải đặc biệt cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020; giải thưởng Lương Định Của năm 2022; bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tỉnh Thanh Hóa năm 2023…

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-nguoi-tho-cat-bang-dai-hoc-ve-hoi-sinh-nhung-canh-rung-can-coi-2393159.html