Cô gái sửng sốt khi tới công ty và nhận ra không có ai đi làm

Các nhà sử dụng lao động ở Mỹ vẫn đang chia rẽ về quan điểm đối diện như thế nào với thực trạng mới khi chỉ có 30% nhân viên tới văn phòng trong ngày thứ sáu.

 Trong thời gian đại dịch, số giờ làm việc của nhiều người thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Ảnh: Reuters.

Trong thời gian đại dịch, số giờ làm việc của nhiều người thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Ảnh: Reuters.

Haley LaFloure ghé mua vài tá bánh doughnut trên đường đi làm.

Cô quên mất hôm nay là thứ sáu.

LaFloure đã tính tạo bất ngờ cho đồng nghiệp với những chiếc bánh rán ngon lành này, nhưng hóa ra cô mới là người bị bất ngờ: Văn phòng trống không. Mọi người khác tại công ty đầu tư St. Louis - nơi cô làm việc - đã quyết định khép lại một tuần bằng ngày thứ 6 làm việc ở nhà.

Điều đó có nghĩa là LaFloure mắc kẹt trên bàn làm việc với lượng tinh bột đủ cho một tháng của cô.

“Tôi thậm chí không thích bánh rán”, cô gái 25 tuổi nói. "Tôi ngồi xuống và tự hỏi mình sẽ làm gì với đống bánh này”.

Ngày thứ sáu không tới văn phòng

Khi những người lao động cổ cồn trắng trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu quen nhịp với phong cách làm việc hỗn hợp (hybrid working), một điều đang trở nên rõ ràng: Không ai muốn có mặt tại văn phòng vào các ngày thứ sáu.

Ngày cuối cùng của tuần làm việc - từng gắn liền với những bữa trưa dài và về sớm - đang trở thành ngày không tới văn phòng. Xu hướng vốn đã có từ trước đại dịch đang lan rộng, thậm chí được hệ thống hóa trong những tháng gần đây và tạo ra những thách thức mới cho người sử dụng lao động.

Theo Kastle Systems, công ty cung cấp dịch vụ an ninh cho 2.600 tòa nhà trên toàn nước Mỹ, chỉ có 30% nhân viên văn phòng đến làm việc vào các ngày thứ sáu trong tháng 6, ít nhất trong số các ngày trong tuần. Con số đó so với 41% vào các ngày thứ hai, ngày có tỷ lệ nhân viên tới văn phòng thấp thứ hai và 50% vào các ngày thứ ba - ngày có tỷ lệ nhân viên tới văn phòng lớn nhất trong tuần.

Peter Cappelli, Giám đốc Trung tâm Nguồn nhân lực tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, cho biết: “Điều này đang trở thành một chuẩn mực văn hóa: Bạn biết rằng không ai khác sẽ đến văn phòng vào thứ sáu, vì vậy có thể bạn cũng sẽ làm việc tại nhà.

“Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, mọi người đã nghĩ thứ sáu như một ngày xả hơi. Và giờ đây, mọi người ngày càng mong muốn có thể làm việc tại nhà vào ngày cuối cùng của tuần làm việc”.

Cho đến nay, các nhà sử dụng lao động dường như còn khá chia rẽ trong quan điểm về việc nên chấp nhận một ngày trước cuối tuần làm việc từ xa hay cố gắng thu hút nhân viên đến văn phòng. Và những chiếc xe tải bánh taco, xe rượu, cuộc thi hóa trang và hát karaoke đang xuất hiện tại các văn phòng như một biện pháp lôi kéo nhân viên giã từ chiếc đi văng thoải mái ở nhà để tới văn phòng vào ngày thứ sáu.

 CEO Flynn Zaiger bước trong sảnh văn phòng Online Optimism vào happy hour hôm 8/7. Ảnh: Washington Post.

CEO Flynn Zaiger bước trong sảnh văn phòng Online Optimism vào happy hour hôm 8/7. Ảnh: Washington Post.

Người sử dụng lao động cũng học cách thả lỏng. Citigroup thiết lập chế động “Không zoom” cho các ngày thứ sáu trong khi gã khổng lồ kế toán KPMG hứa hẹn “các ngày thứ sáu không xuất hiện trên màn hình” và cho phép nhân viên nghỉ cuối tuần lúc 15h vào mùa hè.

Paul Knopp, Giám đốc điều hành của KPMG Mỹ, nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo mọi người được nghỉ ngơi để có thể tái tạo năng lượng. Chúng tôi tạo điều kiện cho người lao động có thêm lựa chọn về cách làm việc và nơi làm việc”.

Một số công ty start-up và hãng công nghệ đã bắt đầu loại bỏ hoàn toàn thứ sáu ở văn phòng. Nền tảng huy động vốn cộng đồng Kickstarter và cửa hàng ký gửi trực tuyến ThredUp là một trong số ít các công ty chuyển sang tuần làm việc bốn ngày, kéo dài từ thứ hai đến thứ năm.

Giám đốc điều hành của Bolt, một công ty công nghệ thanh toán ở San Francisco, đã bắt đầu thử nghiệm với những ngày thứ sáu không làm việc vào mùa hè năm ngoái và nhanh chóng nhận ra rằng họ đã đạt được một công thức thắng lợi. Nhân viên làm việc hiệu quả hơn trước và trở lại làm việc vào các ngày thứ hai với sự hào hứng. Vào tháng một, công ty này đã chuyển hẳn sang tuần làm việc bốn ngày.

Angela Bagley, người đứng đầu bộ phận về trải nghiệm nhân viên của công ty cho biết: “Không ai do dự cả, mọi người đều thích thú và sẵn sàng tham gia. Và thật tuyệt vời là chúng tôi vẫn hoàn thành tốt công việc. Ban quản lý hài lòng, nhân viên đều đạt mục tiêu. Mọi người trở lại vào thứ hai đầy hào hứng và sự gắn kết cũng được tăng cường”.

Làm sao để kéo nhân viên tới văn phòng

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đạt được kết quả mĩ mãn như vậy. Nhiều công ty khác gặp khó khăn trong việc cân bằng. Và nhiều người sử dụng lao động đang đau đầu với bài toán phải làm sao để kéo nhân viên tới văn phòng.

Julie Schweber, một cố vấn tại Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, chia sẻ: “Câu trả lời về cơ bản là: Đồ ăn miễn phí. Và các xe đồ ăn, tiệc chiêu đãi đặc biệt, tiệc kem đang trở nên phổ biến tại các công ty”.

Online Optimism, một công ty tiếp thị kỹ thuật số có văn phòng tại New Orleans, Atlanta và Washington, D.C., đang tạo thông lệ bữa trưa miễn phí và happy hour (giờ vui vẻ) vào thứ sáu bắt đầu từ 16h. Quy tắc duy nhất: Không rượu.

Có tới 80% trong số 25 nhân viên của công ty xuất hiện vào những ngày có đồ ăn miễn phí, Giám đốc điều hành của Online Optimism, ông Flynn Zaiger, cho hay.

 Một văn phòng của Online Optimism ở New Orleans hôm 8/6. Ảnh: Washington Post.

Một văn phòng của Online Optimism ở New Orleans hôm 8/6. Ảnh: Washington Post.

“Thành thật mà nói, hoạt động giao lưu tốt nhất diễn ra vào thứ sáu”, ông Flynn Zaiger. “Tại sao không nhấm nháp một hoặc hai ly bia? Nếu mọi người sẽ làm việc ít hiệu quả hơn một chút vào một ngày trong tuần, thì tôi muốn đó là thứ sáu hơn là thứ hai".

Không thể quay đầu lại

Xu hướng thay đổi này đang lan rộng khắp nước Mỹ và định hình lại mô hình kinh doanh cho các công ty bất động sản thương mại, nhà điều hành garage đậu xe và nhiều quán ăn phục vụ người lao động trong tuần.

Việc nhân việc không đến văn phòng, đặc biệt là vào các ngày thứ sáu, đã khiến các tiệm cà phê phải giảm giờ làm, cân nhắc lại việc bố trí nhân viên và các quán bar như Pat’s Tap ở Minneapolis bắt đầu “happy hour” sớm hơn bao giờ hết - bắt đầu từ 14h.

Quản lý của Pat’s Tap - ông Dave Robinson - cho biết: “Vì không tới văn phòng nên mọi người đến quán sớm để thoát khỏi chiếc laptop của mình và nhâm nhi vài ly cocktail. Vào khoảng 16h30 hoặc 17h các ngày thứ 6, quán của chúng tôi đã kín khách”.

Ở chiều ngược lại, những tiệm ăn từng đông đúc khác thường vào những ngày thứ sáu trước đây đang vật lộn với “bình thường mới” ảm đạm.

Tình trạng thực khách vắng vẻ đặc biệt nghiêm trọng tại Manny’s Cafeteria & Delicatessen ở Chicago. Hoạt động kinh doanh vào các ngày thứ sáu đã giảm 30% so với mức trước đại dịch.

"Thật là đau đớn", ông chủ của Manny’s Cafeteria & Delicatessen - Dan Raskin - trải lòng. “Trước đại dịch, thứ sáu là ngày bận rộn nhất trong tuần - mọi người sẽ có một ngày làm việc dễ thở hơn và đi ăn trưa với bạn bè - nhưng bây giờ đó là một trong những ngày đình trệ nhất”.

 CEO Flynn Zaiger (trái) và Juan Pablo Madrid, Giám đốc cấp cao về cải tiến thiết kế, nói chuyện trong happy hour tại văn phòng Online Optimism hôm 8/7 ở Washington. Ảnh: Washington Post.

CEO Flynn Zaiger (trái) và Juan Pablo Madrid, Giám đốc cấp cao về cải tiến thiết kế, nói chuyện trong happy hour tại văn phòng Online Optimism hôm 8/7 ở Washington. Ảnh: Washington Post.

Tình trạng cũng diễn ra tương tự ở LAZ Parking, công ty điều hành hơn 3.000 nhà để xe trên toàn quốc. Leo Villafana, Phó chủ tịch khu vực Trung Đại Tây Dương của công ty cho biết nhu cầu vào các ngày thứ hai và thứ sáu thấp hơn nhiều - khoảng 20% - so với thời điểm giữa tuần. Thứ tư là những ngày bận rộn nhất, mặc dù mọi người có xu hướng ở lại trong thời gian ngắn hơn.

Johnny Taylor, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, một nhóm vận động hành lang, cho biết mong muốn làm việc tại nhà vào các ngày thứ sáu đang ngày càng phổ biến.

“Khi bạn hỏi nhân viên khi nào họ muốn làm việc ở nhà, mọi người đều nói tới thứ sáu”, ông khẳng định.

Ông Taylor đã bắt đầu thử cách làm việc kết hợp vào năm 2015, rất lâu trước khi đại dịch buộc các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình phải thích ứng. Tuy nhiên, những thử nghiệm ban đầu của ông với thứ sáu làm việc ở nhà đã trở thành thảm họa. Các nhân viên ngừng làm việc và bắt đầu nghỉ ngơi sau bữa trưa vào thứ năm. Năng suất tuột dốc.

Nhưng bây giờ, khi đại dịch bước sang năm thứ ba, các tiêu chuẩn đã thay đổi. Ông Taylor nói rằng mọi người đã quen với làm việc qua điện thoại hơn. Giờ đây, ông đang cho phép làm việc từ xa vào cả thứ hai và thứ sáu.

Ông nói: “Ngày thứ sáu làm việc ở nhà đã trở nên thể chế hóa. Thực sự là không thể quay đầu lại".

Đối mặt với thực tế mới này, người sử dụng lao động đang tìm kiếm những văn phòng dễ thích ứng hơn với nhiều không gian và khu vực tập trung hơn thay vì các phòng làm việc truyền thống. Họ tính đến những chiếc ghế dài thoải mái, quầy phục vụ cà phê, thư viện và không gian làm việc ngoài sân.

Điều chỉnh lại nhịp làm việc

Lenny Beaudoin, lãnh đạo toàn cầu của CBRE cho biết: “Điều mọi người không muốn là làm việc từ xa cùng nhau trong văn phòng. Tại sao phải tới văn phòng nếu tôi chỉ cần đăng nhập vào Zoom, giống như ở nhà? Tùy thuộc vào các tổ chức để có những cuộc trao đổi tốt hơn và sắp xếp lịch làm việc phù hợp”.

Có lẽ điều quan trọng nhất - thậm chí còn hơn cả đồ ăn miễn phí - ông Beaudoin nhận định - là sự tương tác với đồng nghiệp. Vì vậy, một số công ty đang phát triển các ứng dụng cung cấp cho nhân viên hình dung nhanh về những người sẽ có mặt tại văn phòng vào bất kỳ ngày nào, cùng với các sự kiện đã lên kế hoạch và các đặc quyền khác, để họ có thể quyết định xem việc lên đồ và đi làm có đáng giá hay không.

“Cũng giống như không ai thích ăn trong một nhà hàng vắng tanh, không ai muốn đến một văn phòng trống không”, ông Beaudoin giải thích. "Khi mọi người đến làm việc, họ muốn có một kết nối xã hội thực sự".

 Trái: Sam Olmsted và chú chó Tom nhận bữa trưa tại cửa công ty Online Optimism ở New Orleans hôm 8/7. Phải: Bữa trưa tại Online Optimism hôm 8/7. Ảnh: Washington Post.

Trái: Sam Olmsted và chú chó Tom nhận bữa trưa tại cửa công ty Online Optimism ở New Orleans hôm 8/7. Phải: Bữa trưa tại Online Optimism hôm 8/7. Ảnh: Washington Post.

Điều đó đã được chứng minh trong trường hợp của MasterControl, công ty phần mềm ở thành phố Salt Lake, nơi các nhân viên đã điều chỉnh lại nhịp làm việc hàng tuần để thích ứng tình trạng “sống chậm” vào cuối tuần.

Các nhóm thể dục của công ty, bao gồm các câu lạc bộ chạy bộ và đi xe đạp, đã chuyển các buổi họp mặt vào thứ sáu sang sớm hơn trong tuần. Hầu hết các cuộc họp và những buổi đào tạo hiện diễn ra vào thứ hai và thứ ba, khi tỷ lệ nhân viên lớn nhất ở văn phòng.

“Vào thứ sáu, tỷ lệ nhân viên đi làm chắc chắn thấp hơn nhiều - bạn có thể thấy điều đó chỉ bằng cách vào văn phòng và nhìn xung quanh”, Alicia Garcia, Giám đốc văn hóa công ty cho biết. “Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người thực sự đánh giá cao tính linh hoạt đó”.

Có khoảng 50 người - trong số 1.500 nhân viên - tại trụ sở chính của Overstock tại Utah vào bất kỳ ngày nào. Vào thứ sáu, khó tìm thấy ai.

Hãng bán lẻ trực tuyến này không khuyến khích các cuộc họp dưới bất kỳ hình thức nào vào thứ sáu. Hầu hết nhân viên công ty chọn làm việc nhiều hơn vào các ngày trong tuần để họ có thể nghỉ vào thứ sáu hàng tuần. Nhưng ngay cả đối với những người không làm vậy, ngày cuối cùng của tuần làm việc cũng trở thành thời gian giảm tải công việc vô cùng cần thiết, tránh xa các cuộc họp và tin nhắn bất tận, Giám đốc điều hành Jonathan Johnson cho biết.

Ông Johnson, người cũng làm việc tại nhà vào thứ sáu, cho biết: “Thứ sáu là ngày trống trải nhất. Văn phòng mở cửa nếu mọi người muốn đến nhưng chúng tôi không thúc ép".

Johnson giới hạn bản thân chỉ tham gia một cuộc họp Zoom vào các ngày thứ sáu, sau đó cập nhật email, viết thư hàng tuần cho hội đồng quản trị của công ty và lên kế hoạch cho tuần tới.

Đôi khi ông cũng dành thời gian cho nhiều việc lặt vặt cá nhân hơn.

“Tôi thừa nhận rằng tôi đã kết thúc công việc lúc 16h vào thứ sáu tuần trước để đi cắt tóc”, Johnson thú thực.

Phương Linh - Lê Ngọc

theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-sung-sot-khi-toi-cong-ty-va-nhan-ra-khong-co-ai-di-lam-post1336092.html