Cô gái Trung Quốc bị ăn cắp ảnh đang khóc để quảng cáo thuốc kích dục
Liang (Trung Quốc) vẫn không biết làm cách nào để xóa được hình ảnh bị đánh cắp của mình khỏi các trang web khiêu dâm, app mai mối và đại lý du lịch.

Bức ảnh khóc của Liang bị đánh cắp và dùng với mục đích xấu.
Liang (19 tuổi) là sinh viên năm nhất tại một trường ĐH ở Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang, Trung Quốc). Hai năm trước, khi đang đọc một cuốn tiểu thuyết buồn và khóc, cô đã chụp lại khoảnh khắc đó.
Bức ảnh nhanh chóng viral, nhiều dân mạng dành lời khen rằng cô "quá xinh đẹp khi khóc".
Liang không ngờ tấm hình rơi nước mắt của cô sau đó lại liên tục bị đánh cắp bởi các trang web khiêu dâm để quảng cáo thuốc kích dục, app mai mối và đại lý du lịch.
Cô chỉ biết bức ảnh của mình đã bị đánh cắp khi được bạn bè cảnh báo.
Mới đây, Liang tá hỏa khi phát hiện bức ảnh của mình được dùng trong một quảng cáo sản phẩm có tên "thuốc tiêm cực khoái" - có tác dụng tăng ham muốn ở phụ nữ.
Một quảng cáo khác dùng hình ảnh của cô đã đạt 700.000 lượt xem trên mạng xã hội.

Liang bất lực trong việc yêu cầu gỡ hình ảnh.
Liang có gửi khiếu nại tới các nền tảng nhưng chỉ có một số đơn vị gỡ quảng cáo có vấn đề. Kết quả, cô phải nhờ cảnh sát can thiệp vào tháng 5.
"Tôi cảm thấy thật vô lý. Tôi không hiểu tại sao một bức ảnh bình thường như vậy lại có thể được sử dụng trong những quảng cáo kiểu đó. Thỉnh thoảng tôi nghe người ta bàn tán sau lưng mình: 'Đó không phải cô gái bán thuốc kích dục sao?'", Liang chia sẻ trên mạng xã hội vào ngày 6/5.
Cô nói rằng không biết phải liên hệ với công ty hoặc đơn vị nào để yêu cầu xóa hình ảnh mình trên các web khiêu dâm hoặc quảng cáo gây tranh cãi.
"Trong bức ảnh đó, tôi không mặc quần áo hở hang hay có bất kỳ động tác khiêu khích nào. Tôi không biết mình đã làm sai điều gì", cô bày tỏ sự bất lực.
Sau khi phát hiện ra hình ảnh của mình bị đánh cắp và sử dụng sai mục đích, cô bắt đầu gửi thông tin đến các trang web. Cô đã chuẩn bị rất nhiều tài liệu. "Tuy nhiên, hầu hết nỗ lực của tôi đều vô ích", cô nói.
Chen Pingfan, luật sư của công ty luật Furong ở tỉnh Hồ Nam, chia sẻ với tờ Xiaoxiang Morning Herald rằng trải nghiệm của Liang cho thấy khó khăn của các nạn nhân trong thời đại kỹ thuật số về việc bảo vệ hình ảnh và danh tiếng của họ.