Cách giảm đau bụng tự nhiên cho ngày 'đèn đỏ'

Thay vì dựa vào thuốc giảm đau vốn có thể gây tác dụng phụ nếu lạm dụng lâu dài, nhiều chị em đã tìm đến các biện pháp giảm đau bụng kinh tự nhiên, an toàn và lành mạnh hơn.

Đau bụng kinh là một trong những nỗi ám ảnh phổ biến nhất của phái nữ vào mỗi kỳ kinh nguyệt. Có người chỉ thấy âm ỉ, có người lại bị đau quặn thắt, kèm theo những triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, đau lưng, đau đầu…

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn làm suy giảm tinh thần, gây khó chịu và làm gián đoạn sinh hoạt thường ngày. Thay vì dựa vào thuốc giảm đau vốn có thể gây tác dụng phụ nếu lạm dụng lâu dài nhiều chị em đã tìm đến các biện pháp giảm đau bụng kinh tự nhiên, an toàn và lành mạnh hơn.

Hình minh họa/ Nguồn: Internet

Hình minh họa/ Nguồn: Internet

Chườm ấm

Đây có lẽ là biện pháp đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả tức thì. Khi chườm ấm vào vùng bụng dưới, nhiệt độ giúp làm giãn cơ trơn tử cung nơi đang co bóp để đẩy máu ra ngoài từ đó làm giảm đau rõ rệt. Hơi ấm cũng giúp tăng cường tuần hoàn máu, giúp cơ thể dễ chịu và thư giãn hơn.

Bạn có thể sử dụng túi chườm nóng, chai nước ấm bọc khăn hoặc miếng dán nhiệt. Nên áp dụng trong 15–30 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày. Ngoài vùng bụng, bạn cũng có thể chườm lưng dưới nếu cảm thấy đau lan xuống khu vực này.

Uống nước gừng và trà thảo mộc

Gừng là “vị thuốc” tự nhiên nổi tiếng với đặc tính chống viêm và giảm đau. Một ly nước gừng ấm có thể làm dịu cơn đau bụng kinh và giảm cảm giác buồn nôn. Gừng còn giúp làm ấm cơ thể, hỗ trợ điều hòa khí huyết phù hợp với thời điểm cơ thể đang mất nhiều năng lượng.

Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại trà thảo mộc như:

Trà hoa cúc: Giúp an thần, giảm đau nhẹ và hỗ trợ giấc ngủ.

Trà bạc hà: Có tác dụng thư giãn cơ bụng, làm dịu cơn co thắt.

Trà quế: Ấm bụng, kháng viêm và hỗ trợ lưu thông máu.

Ăn uống lành mạnh

Tăng cường thực phẩm giàu magie, kali và omega-3 như chuối, bơ, cá hồi, hạt lanh, hạt chia… Những chất này có khả năng làm dịu cơ tử cung, giảm co thắt.

Bổ sung vitamin B6 và E từ ngũ cốc nguyên hạt, hạt hướng dương, rau xanh đậm… giúp cân bằng hormone và giảm cảm giác mệt mỏi.

Uống nhiều nước lọc và tránh đồ uống có cồn hoặc caffein vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước và khiến tử cung co bóp mạnh hơn.

Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đường tinh luyện vì chúng có thể làm tăng tình trạng viêm và đầy bụng trong kỳ kinh.

Tập yoga nhẹ nhàng

Một số bài tập yoga đã được nghiên cứu cho thấy hiệu quả trong việc làm giảm đau bụng kinh và cải thiện tâm trạng. Một vài tư thế phù hợp trong kỳ kinh như:

Tư thế em bé (Balasana): Giúp giãn cơ vùng bụng và lưng.

Tư thế con mèo – con bò (Cat-Cow): Giúp kích thích lưu thông máu, giảm căng thẳng.

Tư thế nằm xoắn (Supine Twist): Giúp thư giãn cơ bụng, hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau lưng.

Nếu bạn không quen với yoga, đi bộ nhẹ nhàng 15–20 phút mỗi ngày hoặc tập thở sâu cũng giúp thư giãn hệ thần kinh và giảm cảm giác đau.

Massage bụng dưới với tinh dầu

Massage nhẹ nhàng giúp kích thích lưu thông máu, làm mềm cơ và giảm cơn co thắt tử cung. Bạn có thể dùng một số loại tinh dầu như:

Tinh dầu oải hương: Giúp thư giãn, an thần.

Tinh dầu bạc hà: Tạo cảm giác mát và làm dịu cơn đau.

Tinh dầu hoa hồng: Có tác dụng làm dịu thần kinh, hỗ trợ giảm căng thẳng trong kỳ kinh.

Pha loãng tinh dầu với dầu nền (như dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân) rồi xoa bóp theo chuyển động tròn nhẹ ở bụng dưới từ 5–10 phút, ngày 1–2 lần.

Ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái

Hormone thay đổi trong kỳ kinh có thể làm bạn dễ cáu gắt, buồn bực hoặc khó ngủ. Tuy nhiên, nếu không ngủ đủ giấc và tinh thần căng thẳng, mức độ đau bụng kinh sẽ có xu hướng tăng lên.

Hãy tạo cho mình một không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, hạn chế dùng điện thoại trước khi ngủ, có thể nghe nhạc nhẹ hoặc thiền ngắn để dễ ngủ hơn. Đặc biệt, đừng cố gắng “chịu đựng” mà hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi đúng lúc.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Dù đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến, nhưng nếu bạn có các dấu hiệu sau, hãy đến gặp bác sĩ:

Cơn đau dữ dội, không thuyên giảm dù đã dùng thuốc hoặc áp dụng biện pháp tự nhiên.

Kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc kéo dài bất thường.

Có hiện tượng buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu khi đến kỳ.

Đau kèm theo các triệu chứng bất thường ở vùng chậu hoặc lưng.

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu… cần được điều trị kịp thời.

Trương Hiền

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/vietnamdaily-relax/cach-giam-dau-bung-tu-nhien-cho-ngay-den-do-269758.htm