Có gì mới từ hai Luật sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm?
Một điểm nhấn quan trọng là Luật mới đã tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên môi trường mạng đồng thời quy định rõ trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và người bán trong việc tuân thủ. Luật sửa đổi cũng tăng cường chế tài xử lý vi phạm theo hướng răn đe mạnh hơn, bổ sung hình sự hóa, thu hồi giấy phép và công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại họp báo thông tin về 5 Luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều 7/7, ông Hà Minh Hiệp - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã chia sẻ về những nội dung mới tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trước đó, vào ngày 14/6/2025 vừa qua, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Cũng trong chiều 18/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Việc thông qua các Luật sửa đổi, bổ sung này này nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng tại các Nghị quyết số 57, 59, 66 và 68, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể coi là bước đột phá trong quản lý chất lượng theo hướng hiện đại, minh bạch và số hóa.
Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên môi trường mạng
Ông Hà Minh Hiệp - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 9 định hướng lớn.
Ông Hiệp cho biết, một điểm nhấn quan trọng là Luật mới đã tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên môi trường mạng đồng thời quy định rõ trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và người bán trong việc tuân thủ. Luật sửa đổi cũng tăng cường chế tài xử lý vi phạm theo hướng răn đe mạnh hơn, bổ sung hình sự hóa, thu hồi giấy phép và công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia.

Ông Hà Minh Hiệp - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 9 định hướng lớn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tiếp đó, Luật cũng cho ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, hộ chiếu số, nhãn điện tử đến hệ thống phản hồi và giám sát. Xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Kết nối dữ liệu liên ngành để theo dõi, cảnh báo sớm và ngăn chặn kịp thời hàng kém chất lượng.
Luật chuyển từ phân nhóm hành chính sang quản lý theo rủi ro, ưu tiên giám sát và hậu kiểm thay cho tiền kiểm để tăng hiệu quả và giảm can thiệp hành chính. Theo đó: Sản phẩm rủi ro cao phải công bố hợp quy với bên thứ ba; Sản phẩm rủi ro trung bình do doanh nghiệp tự công bố; Sản phẩm rủi ro thấp chỉ cần công bố thông tin tiêu chuẩn. Quy định giảm nhẹ thủ tục đánh giá sự phù hợp và cho phép tự công bố hợp quy với các lần nhập khẩu tiếp theo đối với sản phẩm rủi ro trung bình có cùng loại, nhãn.
Lần đầu tiên, NQI (Hệ sinh thái tiêu chuẩn, đo lường, chứng nhận, công nhận, giám sát) được luật hóa, trở thành nền tảng chất lượng, hội nhập và quản lý hiệu quả.
Luật sửa đổi cũng bổ sung hỗ trợ chi phí thử nghiệm, chứng nhận và đánh giá sự phù hợp cho sản phẩm thuộc chương trình của Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng.
Những thay đổi này cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Lần đầu tiên đưa ra tuyên ngôn rõ ràng về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/20262 mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm cải thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý chất lượng.
Lần đầu tiên, Luật đưa ra tuyên ngôn rõ ràng về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo Điều 6, đây là công cụ quản lý nền tảng, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn, chất lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo ông Hà Minh Hiệp - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, tuyên ngôn này được xem như một "kim chỉ nam" cho hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Luật cũng quy định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Điều này nhằm thúc đẩy hậu kiểm, giảm thiểu thủ tục và chi phí tuân thủ, khác biệt so với trước đây chỉ dừng lại ở việc xuất bản danh mục tiêu chuẩn hàng năm.

Ông Hà Minh Hiệp - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lần đầu tiên, Luật quy định nguyên tắc một đối tượng chỉ chịu sự điều chỉnh của một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thống nhất. Điều này giúp xóa bỏ tình trạng trùng lặp và nâng cao hiệu quả quản lý.
Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia lần đầu tiên được luật hóa, trở thành công cụ hoạch định dài hạn để phát triển hệ thống tiêu chuẩn hiện đại và hài hòa với quốc tế. Trước đây, việc này chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn hàng năm.
Quy trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng được cải cách toàn diện, theo hướng rút ngắn thời gian, minh bạch hơn và mở rộng sự tham gia của các hiệp hội. Thời gian xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được rút ngắn từ 18 đến 24 tháng.
Cơ chế công bố hợp quy cũng được đổi mới theo hướng đơn giản, thực hiện trực tuyến qua Cơ sở dữ liệu và miễn công bố đối với sản phẩm đã đáp ứng luật chuyên ngành.
Luật cũng bổ sung quy định về việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của nước ngoài. Điều này giúp tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực mới mà trong nước còn hạn chế, khác với trước đây Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ chủ trì thừa nhận Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) song phương và đa phương. MRA song phương là một thỏa thuận giữa hai quốc gia hoặc khu vực, trong đó các bên đồng ý công nhận lẫn nhau các kết quả kiểm định, chứng nhận, hoặc tiêu chuẩn chất lượng của nhau. MRA đa phương là một thỏa thuận tương tự như MRA song phương, nhưng được ký kết giữa nhiều hơn hai quốc gia hoặc khu vực.
Đây cũng là lần đầu tiên luật hóa việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để phát triển sản xuất, mở rộng xuất khẩu.
Cuối cùng, Luật cũng mở rộng quyền xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cho doanh nghiệp và hiệp hội. Trước đây, tiêu chuẩn cơ sở của hiệp hội, ngành nghề không được chứng nhận./.