Cô giáo 20 năm 'trồng người' nơi sóng nước cực Nam Tổ quốc
Nhìn ánh mắt, nụ cười, sự thân thiện, ít ai nghĩ hành trình gần một phần tư thế kỷ đi "gieo chữ, trồng người" ở nơi sóng nước địa đầu Tổ quốc của cô Nguyễn Thị Duyên lại chất chứa nhiều ký ức vất vả, gian nan đến vậy.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, là người duy nhất có cơ hội học hành đến nơi, đến chốn nhưng cuộc sống của cô Duyên không mấy suôn sẻ khi mẹ cô mắc bệnh hiểm nghèo. Từng nghĩ đến việc từ bỏ dạy để kiếm tiền trang trải viện phí cho mẹ, nhưng được sư động viên của gia đình, cô vẫn tiếp tục theo nghề. Sau khi mẹ qua đời, cô đã trở thành trụ cột gia đình, vừa đi dạy vừa phải lo cho bố và hai em.
Nhớ lại cơ duyên đến với nghề, cô nói: "Những năm học trung học phổ thông phải xa nhà, tôi may mắn được ở trọ gần khu nhà tập thể của các thầy, cô giáo và được chứng kiến cuộc sống thường ngày của họ. Lúc đó, tôi cảm nhận được cuộc sống của những người giáo viên có điều gì đó thật giản dị mà ấm áp, mặc dù thời điểm đó, thầy cô rất khó khăn về điều kiện vật chất".
Chính trong những khoảnh khắc quan sát thầy cô giáo tận tụy với nghề, dù phải đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống, cô Duyên đã cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị trong công việc "trồng người".
4 năm trên ghế giảng đường, cô sinh viên Nguyễn Thị Duyên cố gắng học tập, tiếp thu các kiến thức, kỹ năng được truyền đạt, mong muốn sau khi tốt nghiệp đem kiến thức đó để phục vụ cho nghề được tốt hơn.
Năm 2004, cô Duyên tốt nghiệp đại học, khi đó, có nhiều lựa chọn nhưng với cô giáo trẻ, trở về quê hương để công tác cũng là để phục vụ cho chính nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
Ngôi trường THPT Sông Đốc của cô khi đó nằm lọt thỏm giữa một khu dân cư đông đúc, mỗi buổi lên lớp cùng với tiếng giảng bài của thầy cô là âm thanh sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh trường. Con đường dẫn vào trường lại quanh co, hẹp và lầy lội, hai bên là bờ sông.
Đặc biệt, có những đoạn đường đất chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua, những ngày mưa gió, việc di chuyển trở nên vô cùng vất vả. Trước kia vùng đất Sông Đốc vốn là một vùng sâu, vùng xa, đường sá khó khăn, tình hình xã hội cũng phức tạp, cũng bởi lẽ đó mà việc học cũng như vai trò của việc học tập đối với cuộc sống chưa được quan tâm đúng mức.
"Học sinh nơi đây phần lớn là con em ngư dân, nhiều em phải ra khơi cùng cha mẹ từ khi còn nhỏ, việc đi học với các em không phải là điều dễ dàng", cô Duyên nói và cho biết, nhiều học sinh phải thức dậy từ rất sớm, vượt qua quãng đường dài, có em phải đi học bằng đò dọc, xuồng, qua phà gần cửa biển. Thậm chí, vào những ngày mưa gió biển động, các em phải đối mặt với sóng lớn nguy hiểm để đến trường.
Chưa kể, các em phải học trong các phòng học tạm vách dừng và mái lợp bằng cây, tôn, lá dừa, có phòng còn là nền đất, mưa thì dột, nhếch nhác. "Nhìn các em, tôi chạnh lòng và thương cho hành trình tìm "con chữ" của vùng biên biển khó khăn đến chừng nào", cô tâm sự.
Suốt 2 thập kỷ gắn bó với nghề giáo, cô Duyên luôn trăn trở và hết lòng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về tầm quan trọng của học tập, để mọi học sinh được đến trường đầy đủ. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô luôn sát cánh bên học sinh, giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống.
"Điều mà chúng tôi luôn mong muốn, là việc học tập trở thành nhu cầu hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Để sự phấn đấu học tập của mọi học sinh đều được đền đáp thật sự xứng đáng khi các em bước chân ra cuộc đời", cô Duyên bày tỏ.
Cô giáo Ngữ văn cũng đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của Trường THPT Sông Đốc. Trường chuyển đến địa điểm mới với khuôn viên rộng rãi, khang trang hơn, đường vào trường cũng thông thoáng,… tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của cô trò.
Hơn hết, cô cảm thấy rất tự hào khi chứng kiến học sinh của mình từ những em có hoàn cảnh khó khăn, không thiết tha với việc học, giờ đây đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc học đối với tương lai.
"Qua nhiều năm, tôi dạy cả hai thế hệ cha mẹ, con cái, cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa. Học sinh trưởng thành, tự tin, thành công với tôi đó là niềm hạnh phúc", cô Duyên nói.
Bằng tình yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp "gieo chữ", trong quá trình giảng dạy, cô giáo Duyên luôn tìm tòi những phương pháp mới để học sinh hiểu bài hơn. Hàng năm cô đều viết sáng kiến cải tiến quá trình dạy học, khơi gợi ngọn lửa đam mê Văn học trong các em, dạy học trò với tất cả kiến thức có từ trái tim, chứ không chỉ đến từ những cuốn sách.
Các đề tài thực hiện đều có tính ứng dụng trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy của môn học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Mới đây nhất, sáng kiến "Tích hợp giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa địa phương trong dạy học Ngữ văn ở Trường THPT Sông Đốc" của cô Duyên đã được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh.
Với cô, dạy Văn trước hết là một công việc, bởi nó có những yêu cầu, tiêu chí riêng như: kiến thức, phương pháp sư phạm,... Đặc biệt, giáo viên phải có tình yêu, niềm đam mê với nghề, với học sinh thì mới làm tốt được công việc của mình.
"Học Văn không chỉ để đi thi, học Văn không chỉ là học thuộc những bài học dài mà thầy cô cho ghi chép, học Văn còn là để sống tốt, sống có ích cho xã hội. Mỗi một tác phẩm trong nhà trường, mỗi một bài viết do các em tiếp xúc đều là cánh cửa để các em mở ra trong thế giới của đời sống. Khi các em hiểu ra điều đó, các em sẽ có một thái độ khác đối với môn học này", cô Duyên chia sẻ.
Với cách giảng dạy đầy tâm huyết, Ban Giám hiệu Trường THPT Sông Đốc tin tưởng phân công cô Duyên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Kết quả nhiều năm liền, các em học sinh đạt thành tích cao. Cô Duyên đã bồi dưỡng hơn 20 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh và vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia.
Cảm nhận về cô Duyên trong mắt nhiều học trò là một giáo viên vừa tâm lý, vừa nghiêm khắc. Đến với cô, học sinh được thỏa sức "mộng mơ", thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân của mình đối với các vấn đề trong môn học cũng như ngoài xã hội, còn cô như "người mẹ thứ hai" có thể chia sẻ mọi điều, cả trên lớp cũng như ngoài giờ học.
Không chỉ giảng dạy kiến thức trong sách giáo khoa, cô Duyên còn liên hệ mở rộng ra ngoài đời sống, giúp học trò lĩnh hội kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ vậy, Văn không còn tẻ nhạt mà trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn trong cảm nhận của học trò.
"Niềm hạnh phúc mà tôi cảm nhận được đó là sau mỗi giờ học, các em hiểu được giá trị của văn chương và biết cách vận dụng vào đời sống. Có những cô, cậu học trò còn thể hiện tình yêu với cha, mẹ của mình bằng chính những bài viết vô cùng xúc cảm", cô Duyên bày tỏ.
Tròn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Duyên đã đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Trong đó, cô nhiều lần nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Liên đoàn lao động tỉnh Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Công đoàn Giáo dục tỉnh Cà Mau...
Cô Duyên chia sẻ, những thành tích này không phải là thành công cá nhân mà là kết quả của sự phối hợp, hỗ trợ từ đồng nghiệp và sự cố gắng của chính các em học sinh. Mỗi một thành tích đối với cô là một niềm vui lớn, nhưng niềm hạnh phúc thực sự của nữ giáo viên là khi nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành, thành công trong cuộc sống.
"Mỗi lần các em gọi điện báo tin đã trúng tuyển đại học hay báo: “Cô ơi, em được đi làm, em được làm đồng nghiệp với cô rồi”, tôi cảm thấy trào dâng nước mắt", cô chia sẻ.
"Học Văn không chỉ để đi thi, học Văn không chỉ là học thuộc những bài học dài mà thầy cô cho ghi chép, học Văn còn là để sống tốt, sống có ích cho xã hội. Mỗi một tác phẩm trong nhà trường, mỗi một bài viết do các em tiếp xúc đều là cánh cửa để các em mở ra trong thế giới của đời sống. Khi các em hiểu ra điều đó, các em sẽ có một thái độ khác đối với môn học này", cô Duyên chia sẻ.
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Nguyễn Thị Duyên là một trong 60 giáo viên được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ
Nguyên Thảo