Cô giáo với khát vọng làm sống dậy tình yêu Lịch sử

Mang trong mình tình yêu sâu sắc với lịch sử và khát khao được đứng trên bục giảng, cô Cao Thị Huế có một hành trình đầy nỗ lực và cống hiến.

Cô Cao Thị Huế cùng học sinh Trường THCS Bình Trị Đông A.

Cô Cao Thị Huế cùng học sinh Trường THCS Bình Trị Đông A.

Từ sinh viên ưu tú đến người thầy truyền cảm hứng

Ngay từ khi còn là một cô học trò, Cao Thị Huế (35 tuổi) đã thể hiện niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Ước mơ trở thành một nhà giáo đã thôi thúc cô không ngừng nỗ lực học tập. Với điểm số tuyển sinh cao, cô đã xuất sắc đỗ vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Trong suốt thời gian theo học tại Khoa Lịch sử của trường, cô Huế luôn là sinh viên có thành tích học tập cao, năm nào cũng được nhận học bổng của trường.

Không dừng lại ở tấm bằng cử nhân, năm 2012, với mong muốn nâng cao kiến thức chuyên môn và hướng tới mục tiêu trở thành giảng viên đại học, cô Huế quyết định thử sức mình tại một môi trường học thuật mới.

Cô thi tuyển sinh sau đại học vào Trường Đại học Vinh – một trường đại học trọng điểm quốc gia với bề dày truyền thống và chất lượng đào tạo.

Năm 2015, cô tốt nghiệp thủ khoa đầu ra ngành Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam, một lần nữa khẳng định năng lực và sự xuất sắc của mình. Điều đáng nói là trước đó, cô cũng là thủ khoa đầu vào của chuyên ngành này.

 Hình ảnh cô Cao Thị Huế trong thời gian công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 7.

Hình ảnh cô Cao Thị Huế trong thời gian công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 7.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ với tấm bằng thủ khoa, cô Huế không vội theo đuổi con đường giảng dạy ngay lập tức. Thay vào đó, cô quyết định thử sức mình trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tại một môi trường đặc biệt là Phòng Khoa học Quân sự – Bộ Tham mưu Quân khu 7.

Tại đây, cô tập trung nghiên cứu sâu về lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 7, lịch sử chiến tranh cách mạng của các đơn vị bộ đội và các địa phương thuộc địa bàn Quân khu.

"Trong thời gian công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 7, tôi tham gia chắp bút và biên soạn nhiều bài viết, công trình nghiên cứu có giá trị. Tôi là đồng tác giả biên soạn cuốn sách Quân khu 7 Biên niên sự kiện (1945–2015). Bên cạnh đó, bài nghiên cứu Một số trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ trong năm 1947 do tôi viết được in trong cuốn sách Nam Bộ với toàn quốc kháng chiến của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật".

Trở về với bục giảng

Mặc dù công việc nghiên cứu lịch sử tại Phòng Khoa học Quân sự – Bộ Tham mưu Quân khu 7 mang lại nhiều trải nghiệm và thành tựu đáng tự hào, nhưng sâu thẳm trong trái tim, cô Huế vẫn luôn ấp ủ một tình yêu tha thiết với công việc đứng lớp, giảng dạy.

Với tấm bằng Sư phạm, nhìn thấy bạn bè đồng khóa đều thành công trên bục giảng, được truyền đạt kiến thức và nhận lại những ánh mắt yêu mến của học trò, lòng cô Huế không khỏi bồi hồi và trăn trở.

“Chỉ mình mới biết rõ nhất mình đam mê làm gì nhất. Quan trọng là được làm công việc mình yêu thích nhất, phù hợp với mình. Cũng giống như chiếc áo rất đẹp, nhưng khi mình mặc lên không thoải mái – dù người ngoài nhìn thấy đẹp – thì mình chỉ mặc một hai lần rồi cất trong tủ. Còn chiếc áo phù hợp, mình cảm nhận thấy thoải mái khi mặc vào thì mình mặc hoài, lúc nào cũng mặc,” cô Huế chia sẻ.

 Một số giải thưởng của cô Cao Thị Huế trong quá trình công tác tại trường.

Một số giải thưởng của cô Cao Thị Huế trong quá trình công tác tại trường.

Trải qua nhiều vòng thi, cô Huế đã trúng tuyển vào Trường THCS Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TPHCM).

Gần 10 năm gắn bó với bục giảng, cô Huế đã trở thành một người thầy tận tâm và đầy nhiệt huyết. Không chỉ truyền đạt kiến thức lịch sử, cô còn là người định hướng, khơi gợi đam mê và tiếp thêm động lực cho biết bao thế hệ học trò.

Nhận thấy phương pháp dạy học truyền thống đôi khi khiến môn Lịch sử trở nên khô khan và khó tiếp thu đối với học sinh, cô Huế không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Cô mạnh dạn áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như thuyết trình, dạy học theo dự án, học tập trải nghiệm sáng tạo, hình thức dạy học STEM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường học và địa phương.

Những nỗ lực đổi mới của cô mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử và tiếp thu kiến thức một cách chủ động, hiệu quả. Minh chứng cho sự sáng tạo và tâm huyết của cô là sáng kiến “Thiết kế và sử dụng phiếu học tập góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực phân môn Lịch sử 6” đã được công nhận cấp Quận trong năm học 2024–2025.

Ngoài ra, để truyền thêm động lực cho học trò vươn lên trong cuộc sống, cô Huế thường xuyên kể những câu chuyện về các nhân vật lịch sử là tấm gương vượt khó, hiếu học.

Điển hình như câu chuyện về Lê Quát (1319 - 1386), một cậu bé nghèo khó, nhờ ý chí và nghị lực phi thường đã trở thành học trò xuất sắc của thầy Chu Văn An và đỗ đạt cao trong khoa cử; hay câu chuyện về thiên tài Albert Einstein, người từng bị coi là chậm phát triển nhưng đã trở thành một nhà khoa học vĩ đại của nhân loại.

Những câu chuyện ý nghĩa này đã giúp học sinh của cô có thêm bản lĩnh, không nản lòng trước những khó khăn và thử thách.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và những đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục, cô Cao Thị Huế đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào như danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Bài viết “Chọn vùng xa để giúp học sinh nghèo” của cô đã đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” do Báo Người Lao Động tổ chức, góp phần mang đến cơ hội đến trường cho những em học sinh kém may mắn.

Cô cũng đạt giải Ba cuộc thi viết chào mừng 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-voi-khat-vong-lam-song-day-tinh-yeu-lich-su-post732131.html