Cơ hội cuối cùng từ COP28

COP28 là dịp để các nước thể hiện quyết tâm của riêng mình, đề ra mục tiêu lớn hơn, vì một hành tinh xanh, bền vững cho tất cả.

COP28 sẽ diễn ra tại Dubai, UAE từ ngày 30/11-12/12.

COP28 sẽ diễn ra tại Dubai, UAE từ ngày 30/11-12/12.

Từ ngày 30/11-12/12, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). COP viết tắt của Hội nghị các bên, với “các bên” là những quốc gia đã ký kết thỏa thuận khí hậu của LHQ năm 1992.

Hơn 200 chính phủ đã được mời, dù lãnh đạo nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn đang chờ xác nhận. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông sẽ tham dự. Các tổ chức năng lượng, môi trường, nhóm cộng đồng, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp và các nhóm tín ngưỡng cũng tham gia. COP28 ở UAE có một số điểm đáng lưu ý.

Trước hết, đó là tranh cãi liên quan tới địa điểm tổ chức sự kiện. UAE là 1 trong 10 quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Nước này đã bổ nhiệm Sultan Ahmed Al Jaber, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE và giám đốc điều hành công ty dầu mỏ quốc doanh, làm Chủ tịch COP28.

Dầu, giống như khí đốt và than đá, là nhiên liệu hóa thạch. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu vì chúng thải ra khí nhà kính đang làm hành tinh nóng lên như carbon dioxide khi đốt dầu để tạo ra năng lượng. Ngoài ra, công ty dầu mỏ của ông Al Jaber có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Tổ chức 350.org nhấn mạnh: “Điều này tương đương với việc bổ nhiệm giám đốc điều hành của một công ty thuốc lá để giám sát một hội nghị về chữa bệnh ung thư”.

Đáp lại, ông Al Jaber cho rằng mình có vị thế đặc biệt để thúc đẩy ngành dầu khí hành động. Ngoài ra, là Chủ tịch công ty năng lượng tái tạo Masdar, ông giám sát việc phát triển và áp dụng các công nghệ sạch như năng lượng gió và Mặt trời.

Đặc biệt, theo Giám đốc Văn phòng khí hậu của chính phủ Tây Ban Nha, bà Valvanera Maria Ulargui Aparici, COP28 là hội nghị quan trọng nhất của LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu trong tám năm qua. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo thế giới sẽ cùng nhau đánh giá việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong COP20 năm 2015. Theo quan chức này, COP28 là “cuộc thử nghiệm thực sự để xác nhận chúng ta có thể đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C trong thập kỷ tới hay không”.

Ngoài ra, việc đánh giá lại quá trình thực hiện còn giúp xác định các hành động tự thể. Nó sẽ ảnh hưởng đến các Đóng góp các quốc gia tự quyết định (NDC), có bao gồm kế hoạch cắt giảm khí thải với thích ứng với biến đổi khí hậu mỗi nước.

Quan chức về khí hậu của Tây Ban Nha cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển: “Chúng ta cần giúp đỡ châu Phi và các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu thông qua mục tiêu rõ ràng và cụ thể. Nếu không, chúng ta sẽ khó đạt được các mục tiêu của COP20 năm 2015”.

Về phần mình, Giám đốc Johan Rockstrom của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Hà Lan) nhận định COP28 là “cơ hội cuối cùng cho cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Chuyên gia này kêu gọi các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và EU tăng cường giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là cần thiết để tránh tác động tai hại nhất của biến đổi khí hậu. Hiện thế giới đang trên đà nóng lên 2,5 độ C vào năm 2100, bất chấp các cam kết hiện nay. Do đó, cơ hội duy trì giới hạn 1,5 độ C đang “thu hẹp nhanh chóng”. Vì thế, theo ông Rockstrom, đây là mục tiêu “không thể thương lượng”.

Khi đó, COP28 không chỉ là nơi để thế giới tái khẳng định cam kết hay cập nhật tiến độ thực hiện nhiệm vụ ấy, nó còn là dịp để các nước thể hiện quyết tâm của riêng mình, đề ra mục tiêu lớn hơn, vì một hành tinh xanh, bền vững cho tất cả.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hoi-cuoi-cung-tu-cop28-248449.html