Cơ hội đầu tư 'xanh hóa' ngành điện và năng lượng sạch

Sự phát triển của Việt Nam yêu cầu ngành điện và các tổ chức liên quan phải đáp ứng đồng bộ và đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho ngành lẫn nhà đầu tư.

Cơ hội đầu tư "xanh hóa" ngành điện và năng lượng sạch để tăng trưởng bền vững.. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Cơ hội đầu tư "xanh hóa" ngành điện và năng lượng sạch để tăng trưởng bền vững.. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Ngày 17/7, tại hội thảo “Ngành điện và năng lượng xanh Việt Nam” do Tổng cục Đo lường chất lượng - Trung tâm SMEDEC 2 phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đã tập trung cập nhật thông tin, quy định và giải pháp đồng bộ đổi mới, cũng như cơ hội đầu tư "xanh hóa" ngành điện và năng lượng sạch để tăng trưởng bền vững.
Cụ thể, Tiến sĩ Đặng Mạnh Cường, Chuyên gia năng lượng tái tạo và hệ thống điện, đồng thời là Giảng viên cao cấp Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, sự phát triển của Việt Nam yêu cầu ngành điện và các tổ chức liên quan phải đáp ứng đồng bộ và đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho ngành lẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng truyền thống không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển và tiêu chí zero carbon (phát thải ròng bằng 0) đòi hỏi những giải pháp chuyển đổi nguồn năng lượng như điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối… và gần đây là điện hạt nhân.
Theo Bộ Công Thương, mức tăng trưởng nhu cầu điện năm 2025 dự kiến ở mức 10,5–14,3% so với năm 2024; đồng thời tổng điện năng tiêu thụ dự kiến vào khoảng 342–354 tỷ kWh. Đặc biệt, từ năm 2025 thì nhu cầu nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh vì Luật Điện Lực 2024 được cụ thể hóa bằng các nghị định hướng dẫn chi tiết trong năm 2025. Điều này mang đến những cơ hội cho nhà đầu năng lượng tái tạo, phát triển lưới năng lượng…
Cùng với đó, nhà đầu tư có thể đón đầu những dự án đổi mới và phát triển công nghệ như nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp lưới điện thông minh (Smart Grid)… phù hợp với nhu cầu hệ thống để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tăng hiệu quả vận hành. Hay nhà đầu còn có cơ hội khai thác tiềm năng và được tạo điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư, thầu cung cấp và lắp đặt, quản lý dự án… trong ngành điện và năng lượng mới.
“Đặc biệt, những công nghệ mới đang mở ra nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, gồm: ứng dụng AI, IoT, Blockchain trong quản lý năng lượng, tối ưu sử dụng năng lượng… Vì vậy, chủ đầu tư và đối tác sẽ là lực lượng chủ chốt thúc đẩy năng lượng bền vững; trong đó năng lượng tái tạo và lưới điện thông minh là xu thế hiện tại và tương lai”, Tiến sĩ Đặng Mạnh Cường nhấn mạnh.

Vừa qua, Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) cũng nêu rõ quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, không chỉ nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của nhà nước trong điều tiết thị trường điện, mà còn mở rộng không gian cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia sâu rộng vào phát triển nguồn điện sạch.
Đây cũng là lần đầu tiên, một bản quy hoạch điện được xây dựng với tiếp cận đồng bộ, từ phát triển nhà máy, trạm biến áp, lưới điện thông minh, giải pháp lưu trữ năng lượng cho đến các microgrid phục vụ vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng tiềm năng điện gió ngoài khơi, đẩy mạnh điện mặt trời mái nhà, từng bước phát triển hydrogen xanh và năng lượng tái tạo những mô hình lưu trữ năng lượng quy mô lớn đã tạo nền tảng cho hình thành hệ sinh thái tại Việt Nam.
Một số doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, Việt Nam định hướng triển khai áp dụng cơ chế tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (Renewable Portfolio Standard - RPS) và mua bán chứng chỉ năng lượng tái tạo (Renewable Energy Certificates - REC). Cơ chế RPS sẽ được áp dụng cho đơn vị sản xuất điện quy mô lớn và các khách hàng sử dụng điện lớn nên đối tượng này sẽ phải sản xuất hoặc sử dụng một tỷ lệ năng lượng tái tạo nhất định, với mục tiêu không nhỏ hơn 10% vào năm 2030 và không nhỏ hơn 20% vào năm 2050. Còn đối với các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp, vốn là những "khách hàng sử dụng điện lớn" thì cơ chế RPS đóng vai trò là một cơ chế khuyến khích gián tiếp mạnh mẽ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp có thể sớm chuyển đổi năng lượng với BESS (hệ thống lưu trữ điện năng bằng pin với dung lượng lớn) được dẫn dắt bởi chính sách và thị trường. Đây cũng là giải pháp tích hợp điện mặt trời mang lại lợi ích kép là kinh tế và bền vững, tuy nhiên để thành công cần sự chung tay từ chính sách hỗ trợ của nhà nước và sự đầu tư chiến lược từ doanh nghiệp với mô hình tài chính linh hoạt Zero-CAPEX (không cần vốn đầu tư ban đầu).
Ở góc độ chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 4 (QUATEST 4) cho hay, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu cần những giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp cập nhật xu hướng và đổi mới sáng tạo “xanh hóa” cho ngành điện và năng lượng, nhất là phát triển hệ thống điện, năng lượng sạch thông minh tại Việt Nam. Về phía QUATEST 4 không ngừng nỗ lực cung cấp đa dạng giải pháp cải tiến giúp tổ chức, doanh nghiệp cải thiện nâng suất, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững thông qua áp dụng hiệu quả giải pháp năng suất xanh, kinh tế tuần hoàn…
Hiện tại, QUATEST 4 cũng hỗ trợ dịch vụ kiểm kê khí nhà kính, giải pháp môi trường, truy xuất nguồn gốc… Song song đó, Quatest 4 tư vấn giải pháp công nghệ, hệ thống quản lý… giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là yêu cầu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).

Mỹ Phương/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-dau-tu-xanh-hoa-nganh-dien-va-nang-luong-sach/380701.html