Cơ hội gắn kết vì lợi ích bao trùm Đông Á

Ngày 26/11, tại thành phố Busan của Hàn Quốc đã diễn ra cuộc hội đàm ba bên giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận chính trị quốc tế, bởi cuộc gặp này là lần đầu tiên kể từ năm 2019, ngoại trưởng của ba nước cùng hội đàm.

(Từ trái qua phải) Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp vào ngày 26/11, tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

(Từ trái qua phải) Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp vào ngày 26/11, tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý trong cuộc hội đàm, ngoại trưởng ba nước nhất trí khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên; thúc đẩy tổ chức hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo ba nước vào thời gian sớm nhất. Chia sẻ với truyền thông quốc tế sau cuộc hội đàm, ba ngoại trưởng đều cho thấy những thông tin, lập trường tương đối tích cực.

Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc, điều quan trọng trong việc khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên là phải thể chế hóa hợp tác ba bên thành cơ chế ổn định và bền vững. Điều này đòi hỏi các bên phải tìm kiếm các dự án hợp tác mang tính thực chất mà người dân của ba quốc gia có thể cảm nhận rõ nét.

Còn theo Ngoại trưởng Nhật Bản, hợp tác Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc ngày càng trở nên quan trọng vì góp phần to lớn vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực và lan tỏa khắp thế giới. Những đóng góp của mối quan hệ ba bên hiện trong giai đoạn khó khăn với nhiều thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo... Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn, đàm phán ba bên lần này sẽ trở thành cơ hội quý báu để tái khởi động tiến trình hợp tác giữa ba nước.

Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, hợp tác ba bên có tiềm năng rất lớn, nhu cầu và nguồn lực mạnh mẽ. Ba nước cần đóng vai trò tích cực trong sự phát triển của khu vực và toàn cầu với thái độ nghiêm túc hơn.

Sự kiện ngoại trưởng ba nước tề tựu ở Busan thu hút sự quan tâm rất lớn, bởi các nhà lãnh đạo ngoại giao không chỉ tiến hành nội dung hợp tác ba bên, mà còn thúc đẩy các cơ hội gắn kết song phương. Trước cuộc hội đàm ba bên, hai cuộc hội đàm song phương riêng rẽ giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin với hai người đồng cấp Trung Quốc và Nhật Bản cũng được thực hiện.

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh, hợp tác Trung Quốc - Hàn Quốc có tầm quan trọng trong quản lý ổn định chuỗi cung ứng và đảm bảo an toàn của các công ty Hàn Quốc đang kinh doanh tại Trung Quốc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi các nội dung văn hóa. Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị nêu rõ, Trung Quốc sẽ giúp đảm bảo sự ổn định của bán đảo Triều Tiên.

Còn tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản, cách thức thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc là trọng tâm chính được thảo luận. Theo đó, sau khi hai nước giải tỏa căng thẳng liên quan đến vấn đề bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến, quan hệ hợp tác song phương cần phải có được “lực đẩy” hữu hiệu để mang tới những lợi ích cụ thể cho nhân dân hai nước.

Bình luận từ giới quan sát chính trị quốc tế cho hay, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không tổ chức được hội nghị thượng đỉnh ba bên nào kể từ tháng 12/2019, khi hội nghị cuối cùng này diễn ra ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc.

Giới quan sát nhìn nhận, ba quốc gia cũng từng có những kế hoạch tổ chức hội nghị ba bên, song kể từ khi bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm xáo trộn mọi hoạt động chính trị, tác động một phần đáng kể khiến các kế hoạch tổ chức hội nghị bị trì hoãn.

Song hành với yếu tố dịch bệnh, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trong giai đoạn này suy giảm liên quan tới những khúc mắc về vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến tranh. Hiện nay, bối cảnh quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã từng bước được cải thiện, nhất là từ tháng 3/2023, Hàn Quốc quyết định bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức mà không yêu cầu các công ty Nhật Bản chi trả. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm khôi phục cơ chế hội nghị thượng đỉnh của ba nước.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-hoi-gan-ket-vi-loi-ich-bao-trum-dong-a-post469585.html