Cơ hội lớn để hoàn thành 7 tuyến metro với 355 km

Mục tiêu hoàn thành 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới là cơ hội lớn để TP.HCM hình thành mạng lưới đường sắt đô thị, thay đổi diện mạo giao thông TP.

Theo các chuyên gia, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 188 đã mở toang cánh cửa lớn, tạo cơ hội để TP.HCM và Hà Nội hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT), thay đổi diện mạo giao thông cũng như diện mạo đô thị của một trong những trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất của cả nước.

 Ngay sau khi đi vào vận hành chính thức, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhận được sự hưởng ứng của người dân TP.HCM. Ảnh: NHƯ NGỌC

Ngay sau khi đi vào vận hành chính thức, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhận được sự hưởng ứng của người dân TP.HCM. Ảnh: NHƯ NGỌC

TS TRẦN DU LỊCH, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98:

Thời điểm thuận lợi để phát triển TOD

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 188, tôi rất mừng, đây là thời điểm thuận lợi để phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) tại TP.HCM. Nếu TP.HCM hoàn thiện 355 km ĐSĐT sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông TP trong 10 năm tới.

Mô hình TOD có trục chính phát triển đường sắt, gắn liền chỉnh trang đô thị, nhà ở và đây là yếu tố làm giao thông công cộng tăng lên. Tại sao các nước khác làm ĐSĐT lại thành công, vì họ có khu dân cư xung quanh hệ thống ĐSĐT. Vì vậy, chúng ta bàn TOD, với mục tiêu phải xây dựng hệ thống ĐSĐT bằng mô hình TOD.

Có thể thấy nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới quá nặng nề song phải thay đổi hoàn toàn tư duy về quản lý, cách làm mới, tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất còn ít và phải nội địa hóa dần công nghệ… Nếu chúng ta làm theo cách cũ, 20 km mất 15-20 năm là rất chậm nên chúng ta phải làm theo cách làm hoàn toàn mới.

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 188, tôi rất mừng, đây là thời điểm thuận lợi để phát triển TOD tại TP.HCM. Nếu TP.HCM hoàn thiện 355 km đường sắt đô thị sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông TP trong 10 năm tới.”

TS Trần Du Lịch

Quy hoạch phát triển vùng đã có, quy hoạch chung cũng đã có, vậy làm sao để triển khai nhanh. Đó là phải quy hoạch từng phân khu từng địa bàn để rút ngắn thời gian. Tương tự, vấn đề giải tỏa bồi thường, tạo quỹ đất để phát triển TOD rất quan trọng - bởi hiện nay chỉ cần công bố quy hoạch đã xuất hiện tình trạng “đầu cơ”. Bên cạnh đó là vấn đề huy động vốn, đấu giá, thu hồi, phát hành trái phiếu… cũng là bài toán cần phải làm và tính toán. Chúng ta cũng cần phát triển ngành công nghiệp đường sắt để sẵn sàng đón đầu.

 Các chuyên gia đều cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để TP.HCM xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Ảnh: ĐÀO TRANG

Các chuyên gia đều cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để TP.HCM xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trước mắt, TP.HCM cần thành lập một cơ quan hội đồng phát triển ĐSĐT để triển khai trơn tru, nhanh chóng. Trong đó, hội đồng sẽ gồm đầy đủ thành phần liên quan và do một phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách riêng nội dung này, thời gian phụ trách kéo dài trong khoảng 10 năm.

TS VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, Trường ĐH Việt Đức:

Cần làm dự án thí điểm

Nghị quyết 188 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ĐSĐT ở TP Hà Nội và TP.HCM mở ra nhiều cơ hội để phát triển hạ tầng ĐSĐT, rút ngắn quy trình, cũng như cách thức triển khai đô thị xung quanh nhà ga, nâng cao khả năng tiếp cận, kết nối, nâng cao ý thức sử dụng giao thông công cộng. Đồng thời, từ đó thu hút nguồn lực từ đất đai góp phần phát triển mạng lưới ĐSĐT, trợ giá cho vận hành hệ thống này.

TP.HCM và Hà Nội cũng được áp dụng các nghị quyết riêng. Cụ thể, TP.HCM được áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó Nghị quyết 98 cho phép phát triển đô thị xung quanh nhà ga - TOD. Cánh cửa của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội đã rộng mở cho TP.HCM, vấn đề còn lại là chúng ta tổ chức triển khai như thế nào.

Để thực hiện thành công các dự án ĐSĐT đòi hỏi phải xác định tầm nhìn, kế hoạch cụ thể, thay đổi tư duy và cách làm. Tư duy và cách làm cũ trước đây nếu vẫn duy trì phải mất cả trăm năm mới có thể hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT - 355 km, cũng như các đô thị xung quanh các nhà ga.

Ví dụ, với kinh nghiệm của các TP trên thế giới cần thành lập Hội đồng TOD, chủ tịch Hội đồng TOD là chủ tịch UBND TP.HCM, thành viên là giám đốc sở, ngành, UBND quận, huyện tuyến ĐSĐT đi qua để giải quyết các vấn đề quy hoạch, chiến lược. Tiếp theo, TP.HCM cần thành lập ngay văn phòng TOD. Văn phòng này cũng cần có đội ngũ chuyên môn đa ngành như quy hoạch đô thị, giao thông, tài chính, môi trường và công nghệ…

Hiện nay, việc TP.HCM có thể làm ngay đó là triển khai quy hoạch TOD dọc tuyến metro số 1. Đồng thời, khi triển khai dự án cần có tổ công tác chuyên biệt, lúc này nhiều vấn đề thực tiễn, các nút thắt sẽ từng bước được tháo gỡ.

Đối với vấn đề nhân sự, vận hành cũng đòi hỏi TP.HCM phát triển năng lực công nghệ đường sắt trong quá trình thi công và vận hành. Nghị quyết của Quốc hội đã cho TP những cơ sở pháp lý cho phép Ban quản lý ĐSĐT xây dựng chương trình đào tạo nhân lực. Chắc chắn thời gian tới công tác vận hành, nguồn lực sẽ đạt hiệu quả.

Phát triển đô thị xung quanh nhà ga là một vấn đề phức tạp, đa ngành như bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xã hội, giao thông công cộng… Theo đó, nếu để tư nhân làm khó có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững của xã hội, vì vậy Nhà nước cần chung tay, dẫn dắt để phát triển TOD. Bao gồm: Xây dựng khung pháp lý, cơ chế triển khai, quản lý dự án, phân chia lợi nhuận…

Mới đây, UBND TP Thủ Đức đã ban hành kế hoạch thực hiện ba khu vực phát triển TOD. Vị trí thứ nhất là khu vực phường Trường Thọ và Phước Long A xung quanh ga Phước Long, metro số 1, với tổng diện tích 160 ha. Vị trí thứ hai tại phường Long Trường với diện tích 152 ha, gần nút giao đường vành đai 3. Vị trí thứ ba là khu vực 29 ha phường Long Bình, gần nút giao đường vành đai 3.

Tương tự, UBND quận Tân Phú cũng đã đề xuất khu vực 82 ha, phường Tây Thạnh sẽ triển khai thực hiện TOD dọc tuyến metro số 2. Dự kiến quý I-2025, quận Tân Phú sẽ phê duyệt chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch, sau đó sẽ lập báo cáo và chấp thuận danh mục lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu. Tiếp theo sẽ trình chấp thuận danh mục lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu. Quý IV-2025 sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đấu giá lựa chọn nhà thầu. Tiếp theo sẽ phê duyệt dự án đầu tư, triển khai xây dựng vào quý IV-2025.

Ông NGUYỄN HUY ĐÔNG, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển:

Phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trước

Để phát triển hệ thống ĐSĐT trong 10 năm tới, TP cần đặt ra bốn mục tiêu chính. Cụ thể, đạt 355 km ĐSĐT; tiết kiệm 30% tổng chi phí toàn hệ thống so với các suất đầu tư trước đây; nội địa hóa 70% tổng mức đầu tư; tạo nguồn thu từ nhượng quyền TOD. Đặc biệt, để đạt hiệu quả phải gắn ĐSĐT với phát triển TOD vì TOD tạo ra nguồn cung từ đất cực kỳ lớn.

Mục tiêu 10 năm tới chúng ta hoàn thành 355 km thực sự là một tham vọng chính đáng và khả thi nếu chúng ta thay đổi quy trình quản lý. Theo đó, để có thể mang lại hiệu quả hãy trao toàn quyền cho Ban quản lý đường sắt, không phát sinh thêm các bộ máy ở giữa. Các sở, ngành liên quan chỉ hỗ trợ về thủ tục hành chính, tránh đặt ra bộ máy cồng kềnh, quản lý chéo sẽ rất khó triển khai được dự án - mạng lưới ĐSĐT. Một việc phải giao cho một người và người đó phải chịu trách nhiệm đến cùng, lúc này tiến độ dự án mới nhanh, tránh phát sinh nhiều bước.

Mặt khác, để làm được đại dự án ĐSĐT này cần tạo được sự đồng thuận của người dân. TP cần đi vào thực tế, tiếp xúc với người dân bằng một công trình cụ thể, tạo đồng thuận của người dân. Từ đó cho người dân thấy lợi ích và sự đánh đổi của họ sẽ mang lại lợi ích lớn lao hơn. Khi lợi ích kinh tế hài hòa sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia vào hệ thống ĐSĐT cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ ngồi ghế phụ, điều này không nâng cao năng lực của nhà thầu Việt Nam. Nếu chúng ta mạnh dạn trao quyền theo từng mảng công việc thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn lên và làm chủ dự án. Từ đó mới có thể giảm được suất đầu tư, có thể giảm tới 30% so với các dự án hiện nay…

Tóm lại, có thể thấy đây là một nhiệm vụ rất khả thi nếu chúng ta có một tư duy mới, đột phá. Chúng ta cần tiếp cận theo kết quả đầu ra thay vì tiếp cận theo trình tự thủ tục tiền kiểm. Song song đó cần có một khung pháp lý mới, cho phép chọn ngay một tuyến ĐSĐT để áp dụng mô hình đã phát triển thành công metro/TOD trên thế giới.•

Cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh kinh nghiệm trên toàn cầu cho thấy các doanh nghiệp bất động sản luôn bám sát các quy hoạch giao thông, quy hoạch TOD. Ngay sau khi tuyến metro số 1 được xây dựng đã có các dự án bất động sản dọc các nhà ga metro như Ba Son, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Bình Thái… Hiện nay, người dân đang sinh sống và hưởng lợi từ các dự án ĐSĐT này.

Tuy nhiên, do chúng ta chưa có quy hoạch đồng bộ các ga metro, lối ra đường cao tốc, các phương thức giao thông tích hợp nên Nhà nước chưa thu được nhiều lợi ích trong phát triển giao thông như ở các nước trên thế giới. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy các tập đoàn đầu tư rất nhiều metro, đường sắt tốc độ cao, chỉnh trang đô thị xung quanh các nhà ga và Nhà nước không cần phải đầu tư.

Hiện TP.HCM cũng đã bắt đầu quy hoạch 11 điểm TOD dọc metro số 1, metro số 2 và đường vành đai 3 TP.HCM. Hiệp hội sẽ góp ý để tận dụng các khu đất xung quanh ga metro, với giá trị sử dụng rất lớn và cần gắn liền với hệ thống giao thông sức chở lớn. Việc TP.HCM nỗ lực thực hiện bảy tuyến metro với 355 km ĐSĐT là tiềm năng để các doanh nghiệp bất động sản đồng hành cùng với kế hoạch phát triển metro của TP. Như vậy, Nhà nước được lợi, người dân được lợi và doanh nghiệp được lợi từ phát triển ĐSĐT theo mô hình TOD. Có thể thấy đây là phương thức tối ưu để phát triển bền vững, các đơn vị quản lý vận hành, cần giao thẩm quyền cho đơn vị quản lý có đủ quyền và trách nhiệm triển khai thực hiện, vận hành hệ thống.

“Hiện các doanh nghiệp bất động sản luôn luôn đồng hành, đi trước một bước và sẵn sàng chuẩn bị quỹ đất để tham gia vào phát triển ĐSĐT theo mô hình TOD” - ông Châu nhấn mạnh.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-hoi-lon-de-hoan-thanh-7-tuyen-metro-voi-355-km-post843689.html