Cơ hội mới cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tuy chưa phải là thế mạnh lớn trong nền kinh tế của Tân Uyên, song với sự quan tâm, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền các cấp, lĩnh vực này đã và đang mang đến cho huyện nhiều cơ hội mới trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhấn mạnh về hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, anh Phạm Văn Minh, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Uyên cho biết: Đây là lĩnh vực kinh tế đang có nhiều triển vọng, phát triển không ngừng trong thời gian qua, tập trung vào các lĩnh vực như: khai thác thủy điện, chế biến nông sản, lâm sản, khai thác vật liệu xây dựng… Trong đó, thủy điện là tiềm năng lớn, đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương.
Chứng minh cho lời khẳng định của mình, anh Minh đưa chúng tôi đến thăm Nhà máy thủy điện Phiêng Lúc (xã Nậm Cần). Đây là nhà máy thủy điện nhỏ có công suất phát điện lớn nhất trên địa bàn huyện Tân Uyên thời điểm hiện tại với 20Mw. Anh Trần Bá Tuân - Giám đốc nhà máy nói: Đi vào hoạt động gần 2 năm, nhà máy có 2 cửa thu nước của sông Nậm Mu và suối Nậm Cha đã phát điện thương mại được 106 triệu Kw. Việc đưa vào vận hành nhà máy có thuận lợi lớn là không ảnh hưởng đến nước sinh hoạt và sản xuất của bà con. Quá trình thi công xây dựng cũng như vận hành, nhà máy nhận được sự ủng hộ rất lớn của chính quyền địa phương và bà con nhân dân khu vực xung quanh. Doanh thu năm 2023 của nhà máy đạt xấp xỉ 66 tỷ đồng, bổ sung vào nguồn ngân sách Nhà nước 7,5 tỷ đồng.
Ngoài Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên cũng vừa thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 4/2024 với tổng vốn đầu tư 26 tỷ đồng, hệ thống máy móc đáp ứng công suất chế biến khoảng 80 tấn/ngày, đêm. Tuy nhiên lượng chè búp tươi đầu vào hiện có mới chỉ đáp ứng một nửa công suất chế biến. Công ty có 22 lao động thực hiện công việc 3 ca/ngày với mức lương 7-9 triệu đồng/người/tháng. Công ty đang sản xuất chè thô phục vụ cho nhà máy chế biến sâu sản phẩm chè tại xã Bản Giang (huyện Tam Đường). Thị trường Trung Đông chính là mảnh đất màu mỡ tiêu thụ sản phẩm chè của công ty nói chung và một số nhà máy chế biến chè khác của tỉnh. Đầu vào và đầu ra luôn ổn định giúp doanh thu của công ty, thu nhập của người lao động và tương lai của vùng chè Tân Uyên đang rộng mở. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Tân Uyên ngày một phát triển.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, ngành Công nghiệp của huyện Tân Uyên đang có nhiều lợi thế như: có 4 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; 14 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 132,6Mw (7 thủy điện đang hoạt động, 4 thủy điện đang thi công, 2 thủy điện đã có quyết định chủ trương đầu tư, 1 dự án đang lập hồ sơ xin ý kiến đề nghị bổ sung quy hoạch); 16 cơ sở chế biến nông, lâm sản.
Nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển lĩnh vực kinh tế này, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, khuyến công, hỗ trợ tham gia các chuỗi xúc tiến thương mại trong và ngoài nước… tới các tổ chức, cá nhân liên quan. Ngay trong những tháng đầu năm 2024, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công Lai Châu rà soát trực tiếp tại 2 cơ sở xem xét các điều kiện về hỗ trợ tài chính trong đổi mới công nghệ sản xuất; tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ khuyến công để các chủ thể phục vụ tốt cho việc phát triển của từng cơ sở.
Trong 9 tháng năm 2024, sản lượng điện năng hòa vào lưới điện quốc gia của huyện ước đạt 166,27 triệu kWh. Công nghiệp khai thác, chế biến, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải đều đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Riêng sản xuất và phân phối điện lũy kế thực hiện ước đến 30/9 đạt 147,86 tỷ đồng. Phân theo ngành công nghiệp, doanh thu 9 tháng toàn huyện đạt 362,9 tỷ đồng (tăng 120,94% so với cùng kỳ). Ngoài ra, vùng nguyên liệu chè toàn huyện với trên 3.000ha tập trung ở một số xã, thị trấn, huyện tạo điều kiện tối đa đầu tư cơ sở chế biến cây chè. Năm 2024, huyện có thêm cơ sở chế biến, sản xuất chè đã giúp lĩnh vực công nghiệp chè tăng trưởng mạnh so với năm 2023. Nhờ giá nguyên liệu chè cao hơn năm trước nên người dân được hưởng lợi.
Những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Uyên thời gian qua là những tín hiệu đáng mừng. Để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, huyện tiếp tục tạo điều kiện tối đa thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển tiềm năng thế mạnh với mục đích cao nhất là nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Kiến nghị với tỉnh có cơ chế, điều kiện thông thoáng, chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Bên cạnh đó, phòng chuyên môn tăng cường quản lý, nắm bắt đầy đủ, kịp thời hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Tiếp tục tuyên truyền, thực hiện các cơ chế chính sách liên quan đến các cơ sở; khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện, chế biến nông, lâm, thủy sản lợi thế trên địa bàn huyện. Phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị của huyện kiểm soát tốt tình hình thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn. Tiếp tục rà soát thực trạng cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để thực hiện đề xuất kế hoạch khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.