Cơ hội mới cho Syria

Tổng thống chính phủ chuyển tiếp Syria Ahmed al-Sharaa vừa ban hành một loạt sắc lệnh thành lập các quỹ phát triển, đầu tư của quốc gia Trung Đông này. Cánh cửa cơ hội để khôi phục, phát triển kinh tế và tái hòa nhập quốc tế đang rộng mở với Syria, khi ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ thiện chí hỗ trợ Syria tái thiết.

Những động thái hướng đến phục hồi đất nước đang được chính quyền Syria thúc đẩy mạnh mẽ. Mới đây, Tổng thống lâm thời nước này ban hành một loạt sắc lệnh nhằm thành lập Quỹ phát triển, Quỹ đầu tư quốc gia và Hội đồng tối cao phát triển kinh tế. Các quỹ này có chức năng hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu như cầu đường, mạng lưới điện nước, viễn thông, sân bay, cảng biển…

Syria cũng thực hiện giao dịch ngân hàng quốc tế đầu tiên thông qua kể từ khi cuộc xung đột kéo dài 14 năm nổ ra ở quốc gia này. Đây được nhận định là một cột mốc quan trọng trong quá trình tái hòa nhập hệ thống tài chính toàn cầu, qua đó mang lại nguồn lực cho công cuộc tái thiết đất nước.

Để làm được điều này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Syria đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến cấp cao với đại diện các ngân hàng Syria, một số ngân hàng và quan chức Mỹ.

Thành quả của những thay đổi tích cực ở quốc gia Trung Đông chính là việc hàng loạt nước chấp nhận nới lỏng lệnh trừng phạt, thậm chí là thiết lập quan hệ hợp tác với Syria. Mỹ bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với Syria là một bước ngoặt quan trọng, được dư luận kỳ vọng sẽ mang tính lan tỏa tính cực, thúc đẩy các quốc gia và tổ chức quốc tế khác cùng hỗ trợ Syria tái thiết.

Hàn Quốc và Syria gần đây đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay trong chuyến công du Syria vào đầu tháng 7/2025 của Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy, hai nước tuyên bố khôi phục quan hệ. Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tài trợ trị giá 146 triệu USD cho Syria, trong khi Liên minh châu Âu (EU) công bố gói viện trợ 175 triệu euro để giúp đỡ tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Những động thái thiện chí nêu trên của các nước, các tổ chức phản ánh bước điều chỉnh trong chiến lược ngoại giao tại khu vực Trung Đông, và thể hiện sự ủng hộ, gia tăng lòng tin với tiến trình cải tổ ở Syria.

Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này còn phải đối mặt chồng chất thách thức liên quan tiến trình cải cách, tái thiết kinh tế và hòa giải, hàn gắn xã hội hậu .

Sau hơn một thập kỷ nội chiến, Syria đang đối mặt khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với GDP giảm hơn 60% kể từ năm 2011 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 50%. Hiện ở Syria có 16,5 triệu người, chiếm gần 70% dân số, cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo. Bộ Kinh tế và Công nghiệp Syria ước tính cần ít nhất 1.000 tỷ USD để tái thiết và xây dựng một Syria mới.

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn cả là sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo và áp lực từ các nước lớn bên ngoài. Những diễn biến bạo lực gần đây ở Syria liên quan các cuộc tấn công mang tính giáo phái nhằm vào cộng đồng thiểu số Alawite và Druze đã đặt ra câu hỏi về triển vọng ổn định thời kỳ hậu al-Assad.

Đặc phái viên của về Syria Geir Pedersen mới đây bày tỏ lo ngại về sự suy yếu lòng tin sau làn sóng đụng độ ở Syria. Theo chuyên gia Lina Khatib tại Viện nghiên cứu Chatham House, chính quyền Syria cần thực hiện sự hòa nhập chính trị thật sự cho tất cả người dân; điều này có nghĩa là phải đại diện chính trị cho các cộng đồng dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo, cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách về hội nhập.

Syria sẽ chỉ thật sự ổn định, tái thiết và thống nhất khi chính quyền có thể giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn phe phái, chia rẽ sắc tộc sâu sắc - một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

TƯỜNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-hoi-moi-cho-syria-post893758.html