Cơ hội mới trong họp tác dệt may Việt Nam - Ấn Độ

Ngành dệt may Việt Nam và Ấn Độ đang đứng trước cơ hội hợp tác chiến lược mới khi hai bên có thể bổ trợ cho nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Đây là thông điệp chính được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến "Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong ngành Dệt May" do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức chiều 23/5.

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn phát biểu khai mạc hội thảo của ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu 43,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Thành tích này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn khi phụ thuộc tới 65% nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Ấn Độ nổi lên như một đối tác chiến lược với nguồn cung dồi dào về bông và sợi bông, có thể giúp Việt Nam giảm chi phí đầu vào đồng thời tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN–Ấn Độ.

Về phía Ấn Độ, ông Rakesh Mehra, Chủ tịch Hội đồng Dệt May Ấn Độ (CITI) cho biết, ngành dệt may nước này đạt quy mô 170 tỷ USD trong năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu 37 tỷ USD. Đặc biệt, Ấn Độ đang có nhu cầu ngày càng tăng về vải polyester cao cấp và xơ sợi nhân tạo, với quy mô thị trường khoảng 1,2 tỷ USD/năm, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định quan hệ hợp tác hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Ông kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, trao đổi công nghệ và thúc đẩy sản xuất xanh.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu máy móc dệt may từ Ấn Độ với chi phí thấp hơn 30-40% so với thiết bị từ châu Âu. Bên cạnh đó, lĩnh vực tơ lụa cũng được đánh giá có tiềm năng lớn khi Việt Nam có khả năng cung ứng tơ tằm chất lượng cao, trong khi Ấn Độ sở hữu hệ sinh thái ngành lụa đa dạng.

Hội thảo này là hoạt động thứ hai trong chuỗi xúc tiến thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ trong Quý II/2025, nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD.

Ngọc Thúy/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-moi-trong-hop-tac-det-may-viet-nam-an-do/374651.html