Cơ hội mới và vấn đề đặt ra
Từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được áp dụng. Giáo dục STEM cũng sẽ được triển khai sâu rộng hơn tại các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Đây là cơ hội nhưng cũng thực sự là thách thức đối với nhiều trường học hiện nay.
Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khẳng định giáo dục STEM là một hướng đang được quan tâm phát triển trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời nhấn mạnh vai trò thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường của các môn Toán, Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên.
Đối với ngành Giáo dục toàn tỉnh, hiện mới bắt đầu thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán phổ thông (từ bậc tiểu học đến THPT) và thí điểm triển khai thực giảng tại một số trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Thực tế triển khai cho thấy, giáo viên gặp khó khăn trong tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa bảo đảm yêu cầu của khung chương trình, vừa phát huy sức sáng tạo của học sinh.
Đồng chí Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT T.P Thái Nguyên cho rằng: Cần có hướng dẫn về những chủ đề STEM trong các môn/lĩnh vực học tập để tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức dạy học. Đi kèm với việc “chương trình hóa” giáo dục STEM cũng cần có các chính sách, chế độ, quy định kèm theo, tránh tình trạng triển khai theo hình thức, phong trào.
Một khó khăn khác là trình độ giáo viên. Phần lớn giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, do đó sẽ gặp khó khăn nếu triển khai dạy học theo hướng liên ngành như giáo dục STEM. Bên cạnh đó, đa số giáo viên còn ngại học hỏi, ngại chia sẻ với đồng nghiệp, nên chưa có sự phối hợp tốt giữa giáo viên các bộ môn trong dạy học STEM.
Thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Công chia sẻ: Việc kiểm tra đánh giá nếu chậm đổi mới sẽ là rào cản lớn nhất ngăn cản sự triển khai STEM trong trường phổ thông, vì STEM đánh giá thông qua sản phẩm, quá trình. Ngoài ra, sĩ số lớp học quá đông cũng gây khó khăn cho tổ chức hoạt động, cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Việc không có phòng học STEM hoặc phòng thực hành để học sinh có nơi làm việc nhóm, nghiên cứu, thí nghiệm cũng là một khó khăn. Với các nội dung học tập chuyên sâu hơn như khoa học máy tính, robotic, lập trình thì cần đầu tư kinh phí lớn hơn cũng là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục...
Đến nay, địa bàn T.P Thái Nguyên cũng đã tổ chức câu lạc bộ STEM với gần 300 học sinh và khoảng 50 giáo viên, nhân viên tham gia. Đặc biệt, hệ thống các trường mầm non và một số trường tiểu học có điều kiện về phòng học, không gian thư viện… đã bước đầu triển khai dạy STEM ở quy mô nhóm và theo một vài chủ đề, với nhiều mô hình và có đến gần 50 góc STEM. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các mô hình STEM đã huy động được đông đảo đội ngũ giáo viên tự chế tạo thiết bị dạy học theo chủ đề và năm học 2019-2020, các trường đã có trên 300 sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm mới chỉ dừng lại là mô hình do giáo viên, nhóm giáo viên làm ra và chất liệu còn đơn giản, chưa bền vững.
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là một trong những thành viên chương trình bồi dưỡng giáo viên tham gia dạy STEM cho biết: Hiện tại, các trường phổ thông từ cấp tiểu học đến THPT triển khai diện rộng dạy học STEM là rất khó, khi giáo trình chưa có, đội ngũ chưa đồng đều, chính sách cũng chưa cụ thể và thiết bị dạy học… còn thiếu, chưa đồng bộ. Nếu thuần túy để giáo viên các trường tổ chức, chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian cho một chương trình dạy học STEM. Chính vì vậy, để các môn học gắn với STEM đạt hiệu quả, rất cần những chính sách cụ thể hơn về giáo dục STEM; sự vào cuộc của các tổ chức khoa học, nghề nghiệp và vai trò chuyên môn của các nhà khoa học liên quan. Đó là yếu tố quan trọng mà các trường phổ thông cần để biến dạy học STEM từ một thách thức trở thành cơ hội, đạt được các mục tiêu trong sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
PGS-TS Cao Tiến Khoa, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho rằng: Có nhiều khó khăn khi triển khai, nhưng dạy học STEM, bản chất là thay đổi cách tiếp cận kiến thức từ thực tế. Hiểu một cách đơn giản là học sinh được trang bị kỹ năng lực kỹ thuật thì sẽ có khả năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Ngoài ra học sinh còn có khả năng nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Những khó khăn mà các nhà trường phổ thông đang gặp chính là cơ chế, chính sách, nhưng vấn đề chính là giáo viên phải chủ động chuyển đổi tư duy, phương pháp để sẵn sàng cho một chương trình giáo dục mới phù hợp với công nghệ 4.0 hiện nay…