Cơ hội nâng vị thế môn Tin học và Công nghệ

Năm 2025, lần đầu tiên học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thay vì phải thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn bài tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (tổng cộng 6 môn học), thí sinh chỉ phải thi 4 môn (Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12). Với phương án này, lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Đây là cơ hội để nâng cao vị thế hai môn học này trong nhà trường.

Vui mừng nhất có lẽ là đội ngũ giáo viên dạy Tin học, Công nghệ. Vị thế môn học thay đổi, được quan tâm hơn từ cả học sinh và nhà trường, tất yếu kéo theo thay đổi tích cực về vai trò của giáo viên giảng dạy. Nhiều thầy cô đã chuẩn bị hàng loạt công việc để sẵn sàng đồng hành với học sinh chọn Tin học, Công nghệ là môn thi tốt nghiệp THPT, như: Nghiên cứu để nắm chắc, hiểu sâu chương trình môn học; xây dựng kế hoạch bài dạy khoa học, hợp lý; vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; lên kế hoạch ôn tập kiến thức, luyện tập kỹ năng tư duy và làm bài thi cho học sinh...

Đặc biệt, thầy cô nghiên cứu đề minh họa của Bộ GD&ĐT để soạn đề ôn luyện, giúp học sinh làm quen cấu trúc, định dạng đề thi mới. Lãnh đạo nhà trường cũng quan tâm kịp thời, thể hiện ở việc xây dựng các tổ hợp có môn Tin học, Công nghệ; khảo sát học sinh về lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để sớm có kế hoạch dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi; quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy Công nghệ, Tin học...

Tuy nhiên, còn không ít thách thức với hai môn học này. Trong đó, rào cản lớn chính là nhận thức, tâm lý “môn phụ” nên chưa có sự quan tâm xứng đáng từ cả nhà trường và người học. Không nhiều học sinh lựa chọn Công nghệ, Tin học.

Điều kiện bảo đảm chất lượng, từ năng lực chuyên môn giáo viên, đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn hạn chế. Bên cạnh đó, THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nên ngay từ lớp 10 (đầu năm học năm 2022 - 2023), học sinh đã chọn môn và việc này thường gắn với mục tiêu vào đại học.

Điều đó đồng nghĩa cơ bản lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT cũng đã định hình. Việc này diễn ra trước khi có quyết định Tin học, Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ngoài ra, lần đầu tiên trở thành môn thi, cả học sinh và giáo viên đều bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước. Sự mới mẻ cũng là lý do người học lo lắng, e dè khi lựa chọn Công nghệ, Tin học. Điều quan trọng nhất, lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phụ thuộc lớn vào các tổ hợp môn xét tuyển ĐH.

Ở THPT, để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, các trường thường triển khai cho học sinh lựa chọn môn thi ngay từ đầu năm học mới. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Việc không biết có trường đại học nào đưa Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển hay không khiến học sinh không dám đăng ký hai môn này, dù cho có năng lực, đam mê, yêu thích…

Sự thay đổi chính sách là cú hích đầu tiên, vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để thực sự thay đổi vị thế môn Công nghệ, Tin học cần thêm nhiều yếu tố đồng bộ. Cùng đó, cần thêm thời gian để dần thay đổi nhận thức, cả từ phía người học, lãnh đạo trường phổ thông và đại học. Trong đó, việc đưa Tin học, Công nghệ vào tổ hợp tuyển sinh có lẽ là yếu tố quyết định để nâng cao vị thế hai môn học ở phổ thông.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-nang-vi-the-mon-tin-hoc-va-cong-nghe-post694542.html