Cơ hội nào cho hàng không Việt trong năm 2024?

Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, nằm trong xu thế của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường hàng không Việt sẽ hồi phục hoàn toàn vào cuối năm 2024.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh PC

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh PC

Dự kiến tăng trưởng 2 con số so với thời điểm trước dịch

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024.

Trong đó, thị trường châu Á -Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024.

IATA cũng dự tính các hãng hàng không toàn cầu sẽ đạt doanh thu kỷ lục với 964 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách khoảng 717 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay: Năm 2023, thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng so với thời điểm trước dịch Covid-19. Thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục và trở lại.

Bước sang năm 2024, cơ quan này dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm.

"Dự báo, tổng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2024 ước khoảng 84,2 triệu khách, tăng 15% so với năm 2023 và tăng 6%so với năm 2019, trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 41,5 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023 và tăng 11% so với năm 2019; vận chuyển hành khách quốc tế đạt khoảng 42, 7triệu khách, tăng 15,8% so với năm 2023 và tăng 6,4% so với năm 2019", lãnh đạo Cục Hàng không thông tin.

Về hàng hóa, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đạt 1,16 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2023 và bằng 92,2% so với năm 2019.

Trong đó, vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 210 nghìn tấn, tăng 20% so với năm 2023 và bằng 81,8%so với năm 2019; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 950 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2023 và bằng 95% so với năm 2019.

Nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khoảng 61 triệu hành khách, tăng 9,3% so với năm 2023 và tăng 10,9% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 41,5 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023 và tăng 11% so với năm 2019.

Vận chuyển hành khách quốc tế đạt 19,5 triệu khách, tăng 24,6% so với năm 2023 và tăng 10,6% so với năm 2019.

Thị trường được dự báo sẽ đón nhận những thuận lợi và tín hiệu tích cực từ các chính sách phát triển du lịch của các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện nâng cao khả năng khai thác các đường bay nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, việc các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài nghiên cứu, mở thêm các đường bay cũng là cơ hội để phát triển thị trường.

Hiện có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi đến các điểm của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Loạt chính sách ưu tiên trong năm 2024

Cục Hàng không sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế phí cho đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không. Ảnh PC.

Cục Hàng không sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế phí cho đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không. Ảnh PC.

Nói về những chính sách ưu tiên để thúc đẩy sự phục hồi cũng như đón nhận những cơ hội mới, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, theo dõi sát sao tình hình, dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp với các hãng hàng không, các đơn vị trong ngành để có những giải pháp kịp thời, phù hợp.

Đáng chú ý, Cục Hàng không sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm một số loại thuế phí cho đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không; Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác.

Cơ quan này cũng sẽ làm việc với các Nhà chức trách hàng không của các quốc gia để tăng tải cung ứng, hỗ trợ hoạt động khai thác ở các sân bay mà các hãng hàng không Việt Nam bay đến; Hỗ trợ các hãng hàng không trong việc tăng cường lực lượng vận tải, bổ sung đội tàu bay để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển;

Khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất, như Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi và cả các cảng hàng không nội địa có thể khai thác quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Phù Cát (Bình Định).

Cùng đó, Cục Hàng không sẽ tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các địa phương thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, đưa ra các sản phẩm trọn gói hàng không - du lịch và tăng cường khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ các thị trường mới ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đến các điểm du lịch tại Việt Nam.

Cuối cùng, Cục Hàng không VN sẽ thực hiện hiệu quả các kế hoạch đầu tư xây dựng, triển khai quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không, đặc biệt là đầu tư nâng cấp các cảng hàng không chính như Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành; đồng thời nâng cao năng lực điều hành, khai thác tại các cảng hàng không, quản lý hoạt động bay, đáp ứng tốt nhất việc khai thác của các hãng hàng không và nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.

Mạng đường bay nội địa hiện tiếp tục được duy trì và phát triển với 66 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 600 chuyến bay mỗi ngày.

Bên cạnh việc khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau, TP.HCM - Điện Biên.

Ngân Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-hoi-nao-cho-hang-khong-viet-trong-nam-2024-192240122140424263.htm