Cơ hội tái cơ cấu danh mục
Đà giảm của VN-Index có thể còn kéo sang đầu tuần này và đây là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục.
Thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh và trầm lắng trong tuần giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Chỉ số VN-Index giằng co quanh mốc 1.270 điểm trong hai phiên đầu tuần, cũng là hai phiên cuối cùng của năm 2024. Tuy nhiên, thiếu sự dẫn dắt của các nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, chỉ số chính tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ thấp hơn, quanh 1.260 điểm trong hai phiên giao dịch cuối tuần.
Thông tin chỉ số USD (DXY) lập đỉnh cao mới gây sức ép lớn lên thị trường. Thanh khoản sụt giảm trở lại mức thấp, quanh 10.000 tỷ đồng được giao dịch trong phiên. Sự giằng co cũng bao trùm lên diễn biến của các nhóm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, khi giá trị giao dịch ròng của nhóm này giảm tương đối so với các tuần trước đó.
Về vận động tại các nhóm ngành, diễn biến suy yếu diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành. Xu hướng chốt lời của dòng tiền tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, kèm với diễn biến chững giá và suy giảm của các nhóm vốn hóa lớn đã khiến dòng tiền trở nên bất định và chưa sẵn sàng quay trở lại. Dù vậy, vẫn có một số tia sáng xuất hiện trong các phiên giao dịch cuối tuần, có thể kể tới như nhóm xây dựng, hạ tầng và đầu tư công.
Dự báo nhịp điều chỉnh có thể vẫn sẽ còn kéo dài trong đầu tuần này, nhưng kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng và xuất hiện nhịp hồi phục từ giữa tuần. Nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi do biến động chưa ổn định của thị trường, tuy nhiên có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hiện tại để tái cơ cấu danh mục cổ phiếu.
Đầu tư công: cơ hội tăng tốc
Một cột mốc đáng chú ý của năm 2025 là Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã đi đến năm cuối cùng. Do đó, nhu cầu giải ngân của Chính phủ rất cao để có thể “chốt sổ” trong giai đoạn cũ trước khi bước vào kế hoạch mới.
Ngoài việc được sử dụng như một công cụ để điều tiết tăng trưởng, đầu tư công còn là cơ sở kích thích các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có tiêu dùng, bất động sản, thương mại, vận tải và nhiều ngành nghề khác.
Một yếu tố khác củng cố cho giải ngân đầu tư công là mục tiêu tăng trưởng kinh tế tương đối tham vọng mà Chính phủ đã đặt ra. Do đó, như đã nói ở trên, với vai trò kích thích sâu rộng của đầu tư công, việc tập trung ngân sách cho các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và kỳ vọng tăng trưởng giải ngân cho năm 2025 có thể nhanh hơn các năm trước đó.
Luật Đầu tư công 2024, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mang đến nhiều điểm mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; trong đó, chú trọng đến các thay đổi nhằm tăng cường phân cấp, tính linh hoạt trong triển khai và quản lý các dự án. Điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ nhằm khơi thông các dự án tồn đọng và đẩy mạnh triển khai dự án mới, phục vụ cho tăng trưởng và cơ sở hạ tầng.
Đối với các doanh nghiệp hạ tầng, đây là một cơ hội lớn. Nhiều dự án trọng điểm như đường ven biển, cao tốc Bắc - Nam và các công trình kết cấu hạ tầng khác đang nằm trong danh sách ưu tiên triển khai của Chính phủ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông với nguồn vốn lớn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các khu vực trọng điểm.
Tiếp theo là các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, khi các dự án hạ tầng tạo ra nhu cầu vật liệu tương đối lớn. Nhóm doanh nghiệp thép và đá xây dựng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu của các dự án đầu tư công, để bù đắp cho lực cầu vẫn còn yếu từ khu vực bất động sản nhà ở.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-hoi-tai-co-cau-danh-muc-post361217.html