Cơ hội và thách thức của Việt Nam từ chính sách của Donald Trump
Chiến lược 'Nước Mỹ trên hết' của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Mỹ và các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Chính sách thương mại của ông đã làm thay đổi cấu trúc quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác, đặc biệt thông qua việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.
Chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thực hiện một loạt các chính sách kinh tế và thương mại mạnh mẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các chính sách này không chỉ phản ánh chiến lược “Nước Mỹ trên hết” mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật của chính sách thương mại Mỹ dưới thời Trump là việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, bao gồm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Canada, Mexico và Trung Quốc.
![Tổng thống Donald Trump nổi bật với chiến lược “Nước Mỹ trên hết”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_232_51431800/ebe5d6fbecb505eb5ca4.jpg)
Tổng thống Donald Trump nổi bật với chiến lược “Nước Mỹ trên hết”.
Cụ thể, ngày 1/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế. Theo sắc lệnh này, từ ngày 4/2/2025, Canada và Mexico sẽ phải chịu mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 10%.
Sự ra đời của sắc lệnh này bắt nguồn từ quan điểm của Tổng thống Trump về việc các nước láng giềng và các đối thủ thương mại lợi dụng các hiệp định không công bằng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tại Mỹ và sự suy giảm của ngành sản xuất trong nước. Trong nỗ lực nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ, ông đã áp dụng các mức thuế cao đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm như thép, nhôm và công nghệ cao.
Canada và Mexico, mặc dù là các đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng cũng không tránh khỏi tác động của chính sách này. Lý do an ninh quốc gia đã được đưa ra để biện minh cho việc áp thuế thép và nhôm, trong khi việc tái đàm phán Hiệp định NAFTA đã dẫn đến việc hình thành Hiệp định USMCA (Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada). Điều này cho thấy rằng, trong mắt của chính quyền Mỹ, sự điều chỉnh chính sách thương mại không chỉ mang tính chất kinh tế mà còn có yếu tố chính trị mạnh mẽ.
Phản ứng từ phía Trung Quốc, Canada và Mexico không chỉ đơn thuần là sự phẫn nộ mà còn là những biện pháp đối phó nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc đã có những động thái ngược lại để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế mới, như áp thuế đối với hàng nhập khẩu nông sản và hàng công nghiệp từ Mỹ. Đồng thời, giảm nhập khẩu hàng Mỹ và tìm kiếm nguồn thay thế từ các nước khác như Brazil, châu Âu.
Trong khi Canada và Mexico bên cạnh việc tìm kiếm những kênh đối thoại mới để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, họ cũng áp thuế trả đũa lên hàng tỷ USD hàng hóa Mỹ, khi tập trung vào các mặt hàng có ảnh hưởng chính trị như thịt lợn, rượu whisky, sản phẩm nông nghiệp từ các bang ủng hộ Trump. Cuộc chiến thương mại này không chỉ là cuộc đấu giữa các nền kinh tế mà còn phản ánh sự phức tạp của các mối quan hệ quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa.
GS. Hà Tôn Vinh, chuyên gia tư vấn cao cấp khu vực châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, việc tăng thuế đối với các đối tác thương mại của Mỹ chủ yếu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Thuế quan cao sẽ làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, từ đó khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm sản xuất trong nước. Điều này giúp hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa và bảo vệ việc làm ở những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ nước ngoài.
Thứ hai, việc áp thuế cao cũng nhằm tăng doanh thu thuế. Chính phủ sẽ thu được một khoản thu lớn từ các hàng hóa nhập khẩu, đóng góp vào ngân sách quốc gia. Thứ ba, thuế quan còn có mục tiêu giảm thâm hụt thương mại. Việc đánh thuế cao sẽ giúp giảm nhập khẩu, từ đó thu hẹp thâm hụt thương mại, đặc biệt là với các đối tác như Trung Quốc, nơi Mỹ thường xuyên ghi nhận thâm hụt lớn.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Vinh, hạn chế của chính sách này là việc tăng thuế sẽ làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên, dẫn đến chi phí cao hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Mặc dù vậy, người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận mức giá cao hơn, đặc biệt khi nền kinh tế có chỉ số tăng trưởng tích cực.
Chắc chắn, khi Mỹ đánh thuế cao lên các mặt hàng từ Mexico và Canada, các quốc gia này cũng sẽ có phản ứng trả đũa tương tự. Tuy nhiên, khi xem xét các mặt hàng Mỹ nhập khẩu từ các quốc gia này, chúng ta nhận thấy rằng dầu mỏ là mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Canada, trong khi ô tô và linh kiện là mặt hàng chủ yếu từ Mexico. Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng điện tử từ Trung Quốc. Mỹ có thể thay thế các mặt hàng này bằng việc nhập khẩu từ các quốc gia khác để cân đối.
![Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục & Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_232_51431800/514f67515d1fb441ed0e.jpg)
Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục & Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).
Những thách thức đặt ra với Thế giới và Việt Nam
Chia sẻ với PetroTimes về vấn đề này, ông Lê Thọ Bình, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu các chính sách của ông Trump đánh giá: Tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Canada và Mexico đã trở thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Kể từ khi các chính sách áp thuế được thực hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu chậm lại, điều này cho thấy rằng những quyết định chính trị không chỉ tác động đến hai nền kinh tế hàng đầu mà còn đến nhiều quốc gia khác.
Một trong những hệ lụy đáng chú ý của cuộc chiến này là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty đã bắt đầu chuyển các hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á và Mexico, nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự bất ổn trong thương mại. Sự dịch chuyển này không chỉ làm thay đổi bản đồ kinh tế mà còn tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế khác phát triển, trong khi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để thích nghi.
“Mặc dù cựu Tổng thống Trump khẳng định rằng việc áp thuế là để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, thực tế chứng minh rằng cả Mỹ và các quốc gia đối tác đều phải gánh chịu tác động tiêu cực. Căng thẳng thương mại không chỉ làm suy yếu tăng trưởng mà còn đẩy giá cả hàng hóa lên cao và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh này, các quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách kinh tế của mình nhằm đối phó với những biến động không lường trước”, ông Lê Thọ Bình nhận định.
Tuy nhiên, một trong những điểm tích cực trong giai đoạn này là các quốc gia đang dần nhận ra sự cần thiết phải đa dạng hóa thị trường và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Điều này có thể tạo ra cơ hội cho sự phát triển bền vững và khuyến khích các quốc gia tìm kiếm mối quan hệ kinh tế mới, từ đó hình thành những trục kinh tế đa dạng hơn trên thế giới.
Với Việt Nam, theo ông Bình chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra những biến chuyển đáng chú ý trong quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam. Việc áp dụng thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc đã khiến nhiều công ty đa quốc gia tìm kiếm các điểm đến thay thế cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn, nhưng đi kèm với nó là những rủi ro và thách thức đáng kể.
Việt Nam được coi là một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, đặc biệt với vị trí địa chính trị chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Mỹ đang nỗ lực củng cố ảnh hưởng của mình tại khu vực này nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và dệt may. Nhiều công ty Mỹ đã chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị chịu thuế quan, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
![Ông Lê Thọ Bình, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_232_51431800/c411f00fca41231f7a50.jpg)
Ông Lê Thọ Bình, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với những lợi thế trên, ông Lê Thọ Bình cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn Việt Nam phải đối mặt. Việt Nam hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, với con số xuất khẩu lên tới hơn 100 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ khoảng 10 tỷ USD. Điều này đã khiến Tổng thống Trump chỉ trích Việt Nam là "kẻ lợi dụng" trong thương mại, nhận định rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà không có sự nhượng bộ tương xứng. Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ đối với một số mặt hàng Trung Quốc được "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, nhằm tránh thuế quan. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này có thể dẫn đến việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại đa phương như TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) đã làm giảm đi cơ hội tăng cường kết nối và tiếp cận thị trường giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên khác. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới và củng cố các hiệp định thương mại song phương để bù đắp cho sự thiệt hại này.
Việt Nam cần làm gì để tránh bị Mỹ áp thuế?
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu liên tục thay đổi, khả năng Việt Nam bị Mỹ áp thuế là một vấn đề quan trọng. Ông Lê Thọ Bình nhấn mạnh một số biện pháp thiết yếu để giảm thiểu rủi ro này. Trước hết, cần kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thắt chặt quy định nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc "mượn danh" Việt Nam. Việc này không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn giúp sản phẩm Việt đáp ứng tiêu chuẩn cao của Mỹ.
Thứ hai, Việt Nam cần chủ động đàm phán thương mại song phương với Mỹ, không chỉ tăng cường nhập khẩu hàng hóa mà còn hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và công nghệ.
Ngoài ra, nâng cao giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu là cần thiết, giúp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài và phát triển thương hiệu "Made in Vietnam". Việt Nam cũng nên thu hút FDI chất lượng cao, đặc biệt từ các tập đoàn rời Trung Quốc, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành điện tử và công nghệ.
Cuối cùng, cải thiện hạ tầng logistics và chuyển đổi số là yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động và thu hút đầu tư.
“Song song với các biện pháp trên, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng rất quan trọng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Mở rộng thị trường sang châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại như EVFTA và CPTPP, từ đó nâng cao vị thế và lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế”, ông Lê Thọ Bình cho biết thêm.
Còn theo GS. Hà Tôn Vinh, Việt Nam cần có những bước đột phá để từng bước cân bằng thương mại với Mỹ. Để đạt được điều này, cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, cụ thể là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng, lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, việc nhập khẩu công nghệ cao, như máy móc và thiết bị điện tử, cùng với các sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, bông, ngô và thịt bò, cũng rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào sản xuất, công nghệ và dịch vụ. Cùng với đó, nâng cao hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các lĩnh vực công nghệ mà Mỹ mạnh như trí tuệ nhân tạo và năng lượng sạch là cần thiết. Đồng thời, chuyển hướng xuất khẩu từ sản phẩm gia công giá trị thấp sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.
Việc tăng cường các chiến dịch quảng bá thương hiệu Mỹ cũng như tổ chức hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm Mỹ tại Việt Nam rất quan trọng. Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối nội địa tiếp cận sản phẩm Mỹ sẽ tạo ra những cơ hội mới. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động phối hợp với Mỹ trong các khuôn khổ hợp tác để giải quyết vấn đề thương mại và tăng cường kiểm soát, minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa nhằm tránh cáo buộc về gian lận thương mại.
Cuối cùng, hợp tác quốc phòng, bao gồm nhập khẩu thiết bị quân sự từ Mỹ, cũng cần được chú trọng. Xây dựng chiến lược kinh tế dài hạn để cân bằng xuất nhập khẩu và giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, cùng với các thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, sẽ đảm bảo lợi ích cho cả hai bên và giảm nguy cơ áp thuế. Tất cả những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, đi kèm với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam để duy trì quan hệ thương mại bền vững với Mỹ.