Cơ hội và thách thức nào trong mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng?
Giao dịch tín chỉ carbon nếu là hợp tác quốc tế thì không nên bị ràng buộc bởi đấu giá. Bởi điều này có thể làm mất cơ hội và lãng phí tài nguyên.
Tại Tọa đàm trực tuyến Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 21/11, các diễn giả cho rằng, rừng không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học mà còn là "kho vàng". Đó chính là nguồn carbon cây rừng hấp thụ, đây chính nguồn tài chính bền vững để phục vụ cho quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Ông Trần Hiếu Minh, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước năm 2010 lĩnh vực lâm nghiệp vẫn đang phát thải. Nhưng nay, con số giảm phát thải đạt được rất ấn tượng, khoảng 40 triệu tấn CO2/năm. Tiềm năng về tín chỉ carbon rừng là nền tảng để Việt Nam tham gia dịch vụ carbon rừng và đã ký thỏa thuận chi trả carbon với Ngân hàng Thế giới (WB).
Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chia sẻ, hiện nay thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động. Tín chỉ carbon không chỉ được xem như một loại hàng hóa mà còn là công cụ thiết yếu để thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội và thách thức trong việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước tiên cần hiểu rằng giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải là thị trường bắt buộc. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký biên bản ghi nhớ với hai tổ chức quốc tế, chuẩn bị thực hiện giao dịch hơn 10 triệu tín chỉ carbon tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai các thỏa thuận này vẫn còn nhiều thách thức.
Bởi, hiện tại Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập. Khi chưa có thị trường chính thức, Việt Nam nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế.