Cơ hội vàng cho thị trường ô tô điện Việt Nam
Thị trường xe điện tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển khi chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt hãng xe giới thiệu các sản phẩm xe điện mới, khiến cuộc đua xe điện tại Việt Nam 'nóng' hơn bao giờ hết.
Năm bùng nổ của ngành ô tô điện
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, xe điện đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong một vài năm trở lại đây, thị trường ô tô điện tại Việt Nam ngày càng phát triển và có nhiều cải tiến mới trong sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, phải đến năm 2023, ngành ô tô điện mới thực sự bùng nổ với sự đẩy mạnh sản xuất đến từ các thương hiệu như Vinfast, Wuling HongGuang, Skoda, Hyundai...
Báo cáo của BMI Research - một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions (Anh) nhận định thị trường xe điện tại Việt Nam sẽ trở nên vô cùng sôi động, sở hữu tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Dự kiến số lượng xe điện chở khách (EV) năm 2023 được bán ra là 18.000 chiếc, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh số bán xe điện chạy bằng pin (BEV) dự kiến sẽ tăng 104,4%, đạt gần 17.000 chiếc. Bên cạnh đó, doanh số xe hybrid cắm điện có thể đạt khoảng 1.100 chiếc trong năm nay. BMI cũng kỳ vọng rằng, doanh số bán xe điện chở khách tại Việt Nam sẽ tăng trung bình khoảng 25,8%/năm trong giai đoạn 2023 - 2032. Trong đó, tổng doanh số bán hàng năm khoảng 65.000 chiếc. Theo BMI, tỷ lệ thâm nhập của xe điện chở khách so với tổng doanh số bán xe chở khách dự kiến tăng 13,6% vào năm 2030, cao gấp gần 5 lần so với năm 2022.
Tờ International Business Times cho rằng, Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu để biến đất nước thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu ô tô điện của khu vực. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự báo, tỷ lệ sở hữu xe điện có thể đạt 1 triệu vào năm 2028 và lên tới 3,5 triệu vào năm 2040. Tờ báo này cũng thông tin về nỗ lực thúc đẩy các lựa chọn giao thông xanh hơn, khi Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đề xuất ưu đãi lên tới 1.000USD cho người mua xe điện, cũng như miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất, dây chuyền sản xuất, linh kiện lắp ráp cho các công ty sản xuất lắp ráp.
Dẫn đầu xu hướng xe điện nội địa tại Việt Nam là Vinfast. Ngày 15-7-2022, Vinfast chính thức công bố dừng kinh doanh xe ô tô chạy bằng xăng, chỉ làm xe điện để bảo vệ môi trường. Trước đó, từ cuối năm 2021, Vinfast đã ra mắt dòng ô tô điện đầu tiên mang tên VF e34. Ngày 14-4-2023, taxi xanh Vinfast bắt đầu lăn bánh trên đường phố Hà Nội với mục tiêu mở ra một kỷ nguyên mới “xanh và thông minh” hơn cho dịch vụ xe công cộng tại Việt Nam. Cùng thời điểm đó, Vinfast cũng phối hợp với hãng taxi Én Vàng cho ra mắt loạt xe taxi “vàng” chạy bằng điện, chính thức hoạt động tại thành phố Hải Phòng. Mới đây, loạt ảnh dàn “xe ôm công nghệ” chạy bằng điện của Vinfast cũng chính thức “trình làng”, cạnh tranh gay gắt với dòng xe công nghệ chạy bằng xăng truyền thống. Những hoạt động kinh doanh “top trend” của “ông lớn” Vinfast liên tục ra đời cho thấy những tín hiệu mừng về thị trường xe điện. Bên cạnh đó, hãng xe ô tô nổi tiếng Hyundai cũng “bắt sóng” rất nhanh khi cho ra mắt dòng xe Hyundai loniq 5 với gói pin 72 kW/h, có nhiều tính năng vượt trội.
Cần có các chính sách ưu đãi
Theo lộ trình bán xe ô tô điện đã được các nhà phân tích đưa ra, đến năm 2030, ô tô điện sẽ chiếm 60% thị phần toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Khi các biện pháp siết chặt khí thải và tăng cường chính sách để kích thích thị trường, cùng với sự tiến bộ công nghệ như vũ bão, viễn cảnh xe điện phủ khắp đường phố sẽ trở thành hiện thực sớm hơn dự đoán. Hiện hầu hết các quốc gia phát triển đều đã tự chủ về công nghệ, sở hữu thương hiệu có tiềm năng cạnh tranh lớn, điển hình là những “gã khổng lồ” trong ngành ô tô điện thế giới như Tesla của Mỹ, SAIC của Trung Quốc hay Nissan Leaf của Nhật.
Theo đánh giá của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe điện trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp trong nước đi tắt, đón đầu, tìm kiếm cơ hội chuyển mình để khai thác tối đa tiềm năng bứt phá của thị trường xe ô tô điện Việt Nam. Không chỉ mang đến những đóng góp tích cực cho cuộc sống, việc sử dụng hàng hóa trong nước còn thể hiện niềm tự hào dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc nội.
Một điểm thuận lợi khác là người Việt Nam thích nghi rất nhanh với sự đổi mới của công nghệ số, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Thu nhập của người dân Việt Nam cũng đang dần cao lên, thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô, trong đó có ô tô điện. Các sản phẩm xe điện thương hiệu Việt lại đang được miễn phí lệ phí trước bạ trong 3 năm, tạo lực hút với khách hàng vì không phải chi trả số tiền quá lớn cho việc sở hữu xe so với các dòng xe nhập ngoại. Chính phủ cũng cho thấy định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng tốt hơn cho môi trường, thể hiện qua các Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16-7-2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 24-7-2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Dù được dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng thị trường xe ô tô điện Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Theo BMI Reseach, việc sử dụng xe điện ở Việt Nam vẫn có trở ngại bởi thu nhập của nhiều người dân vẫn còn thấp, cơ sở hạ tầng trạm sạc lưu động của Việt Nam chưa đầy đủ. Sở hữu đặc tính thân thiện với môi trường, tiếng ồn được giảm thiểu, xe ô tô điện được coi là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết ô nhiễm tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số rủi ro trong quá trình sử dụng vẫn là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo báo cáo của JMK Research and Analytics, một hệ thống pin lithium trên ô tô điện chứa hàng nghìn tế bào Li-ion, tương đương hàng nghìn chiếc pin nhỏ lắp lại. Khi hết tuổi thọ sử dụng, việc tái chế pin ra sao để không phá hủy môi trường là điều cần tính đến.
Vì thế, để khuyến khích sản xuất, sử dụng xe ô tô điện, cần phải có các chính sách ưu đãi. Chẳng hạn như áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường. Cùng với đó là xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư vào các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu… Áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước để giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển, mua bán, chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn. Ngoài ra, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…).
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-hoi-vang-cho-thi-truong-o-to-dien-viet-nam-post548723.antd