Cơ hội vàng cho Trung Quốc sau động thái bất ngờ của chính quyền Trump
Quyết định đóng cửa USAID của Mỹ được cho là đã mở ra 'cơ hội hoàn hảo' cho Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống viện trợ và mở rộng quyền lực mềm.
Quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã kéo theo một loạt hệ quả đối với các chương trình hỗ trợ và phát triển nhân đạo trên khắp thế giới.
Đồng thời, nước đi này được giới phân tích cho là sẽ mở ra khoảng trống để các đối trọng nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, phát triển quyền lực mềm bằng cách thế chân Mỹ trong các chương trình viện trợ.
USAID bất ngờ "đóng băng"
USAID đã giải ngân 43,79 tỷ USD trong năm tài khóa 2023 và cung cấp 42% lượng viện trợ mà Liên Hợp Quốc có thể thống kê được trong năm 2024. Cơ quan này có đội ngũ khoảng 10.000 người và các hoạt động trải dài trên 130 quốc gia.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết USAID hỗ trợ "các quốc gia chiến lược quan trọng và các quốc gia trong vùng xung đột, dẫn đầu nỗ lực của Mỹ trong việc xóa đói giảm nghèo, loại bỏ bệnh tật và viện trợ nhân đạo; đồng thời trợ lực cho lợi ích thương mại của Mỹ bằng cách hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế và xây dựng khả năng tham gia vào nền thương mại thế giới".
![Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã hoạt động hơn 60 năm và quản lý phần lớn chương trình viện trợ của Washington ở hơn 130 quốc gia. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429884/6367234e1900f05ea911.jpg)
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã hoạt động hơn 60 năm và quản lý phần lớn chương trình viện trợ của Washington ở hơn 130 quốc gia. Ảnh: Reuters.
Chỉ thị tạm ngưng hầu hết khoản viện trợ quốc tế trong 90 ngày của chính quyền Tổng thống Trump được nối tiếp bằng kế hoạch sáp nhập USAID, cơ quan quản lý khoảng 60% hoạt động viện trợ của Mỹ ở nước ngoài, vào Bộ Ngoại giao.
Động thái nói trên được cho là hướng đến việc thu hẹp đội ngũ của USAID và cải tổ lại kế hoạch chi tiêu sao cho phù hợp với ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đóng cửa USAID có khả năng đem lại tác động tích cực cho đối trọng Trung Quốc, theo Guardian.
"Mỹ đang trải thảm mời Trung Quốc đến với cơ hội mở rộng ảnh hưởng, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang không mấy khả quan", giáo sư Huang Yanzhong thuộc Hội đồng Đối ngoại Quốc tế nhận định.
"Những gì ông Trump đang làm về cơ bản là mở ra cơ hội hoàn hảo cho Trung Quốc để định hình lại quyền lực mềm và hướng tới lộ trình lãnh đạo toàn cầu", ông Huang nói.
"Cơ hội hoàn hảo" cho ChinaAid
Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc sáng lập Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (ChinaAid) để hợp lý hóa chi tiêu của Trung Quốc, bao gồm chương trình đầu tư nước ngoài Sáng kiến Vành đai và con đường.
Bắc Kinh không công bố ngân sách viện trợ nước ngoài nhưng một nghiên cứu của Viện nghiên cứu toàn cầu William & Mary chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển vay 1,34 triệu USD trong khoảng thời gian 2000-2021, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường.
![ChinaAid viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho Syria trong giai đoạn đại dịch. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429884/970cf325c96b2035797a.jpg)
ChinaAid viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho Syria trong giai đoạn đại dịch. Ảnh: Reuters.
Khác với USAID, ChinaAid tập trung nhiều hơn vào những khoản vay và các dự án cơ sở hạ tầng thay vì hợp tác với các tổ chức địa phương. Dẫu vậy, cả hai cơ quan này có chung một mục tiêu là mở rộng quyền lực mềm và sức ảnh hưởng của chính quyền mà họ phục vụ.
Các chương trình của USAID và ChinaAid đặc biệt tập trung vào khu vực Thái Bình Dương, nơi Mỹ, Australia và các đồng minh cố gắng làm mềm những nỗ lực từ phía Trung Quốc trong việc thực hiện thỏa thuận an ninh với các quốc gia nhỏ nhưng có vị trí chiến lược, theo Guardian.
Melissa Conley Tyler, giám đốc điều hành Viện Đối thoại Phát triển, Ngoại giao và Quốc phòng Thái Bình Dương (AP4D), nói với Guardian rằng bà biết ít nhất một trường hợp được xác nhận trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đã bắt đầu viện trợ thay thế chỗ trống mà USAID để lại.
![Melissa Conley Tyler, giám đốc điều hành Viện Đối thoại Phát triển, Ngoại giao và Quốc phòng Thái Bình Dương. Ảnh: AP4D.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429884/f1a58f8cb5c25c9c05d3.jpg)
Melissa Conley Tyler, giám đốc điều hành Viện Đối thoại Phát triển, Ngoại giao và Quốc phòng Thái Bình Dương. Ảnh: AP4D.
Trong tình hình hiện tại, các quốc gia nhận viện trợ nhiều khả năng sẽ đánh mất một đòn bẩy đáng kể trên bàn đàm phán. Bởi lẽ, khi USAID rút lui, những quốc gia nhận viện trợ không còn hưởng lợi từ sự cạnh tranh quyền lực mềm của hai cường quốc.
"Họ (Trung Quốc) không cần phải tăng đáng kể nguồn viện trợ để cạnh tranh và thay thế Mỹ nữa", giáo sư Huang nhận xét. "Ngoài ra, câu chuyện về sự hào sảng của Trung Quốc đối với bức tranh phát triển của thế giới trở nên thuyết phục hơn. Điều này cũng giúp Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm một cách nhanh chóng".