Cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, vì thế, để biến lao động nông thôn trở thành nguồn nhân lực chất lượng cho ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Một giờ học của Học viện Nhân lực Skyteam.

Một giờ học của Học viện Nhân lực Skyteam.

Thời gian qua, nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã mở lớp tập huấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Các địa phương đã tập trung đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đào tạo nghề gắn với các ngành nghề truyền thống của một số địa phương: Đan cói, dệt chiếu, mây tre đan; du nhập thêm một số ngành nghề mới như làm hoa khô, làm hoa từ nguyên liệu vải, giày da... nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ.

Khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) như: Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; XDNTM, các địa phương đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề cho người lao động.

Kết quả, giai đoạn 2021-2024, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển sinh và đào tạo nghề ước đạt gần 335.000 lượt người, tăng 6,34% so với giai đoạn 2016-2020; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, tăng 4% so với năm 2021, trong đó 30% có bằng cấp, chứng chỉ; toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 239.000 lượt lao động (trung bình mỗi năm có thêm 62.000 lao động được giải quyết việc làm mới), vượt 8,8% so với kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2021-2025... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dự kiến xuống còn 2,5% vào cuối năm 2025, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 5,5%.

Để có thêm nhiều cơ hội việc làm, không ít lao động đã có bước đột phá trong việc tìm kiếm, thử sức một số lĩnh vực mới, trong đó có ngành hàng không.

Học viện Nhân lực Skyteam hiện đã có văn phòng tuyển dụng ngành hàng không tại 20/47 đường Thành Thái, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Đây là cơ hội cho những sinh viên có nhu cầu muốn “Bứt phát mọi giới hạn để có mức lương thu nhập tốt nâng cao chất lượng cuộc sống”. Học viện này có chức năng tuyển dụng các vị trí trong sân bay và các hãng hàng không như: Tiếp viên hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất, thợ kỹ sư máy bay, nhân viên kiểm soát vé, nhân viên bảo dưỡng, chất xếp hành lý, lái xe sân bay...

Tuy mới ra đời và phát triển nhưng văn phòng tuyển sinh hàng không Thanh Hóa đã tuyển được 15 học viên, chủ yếu ở các huyện Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Xuân. Các học viên sau khi tốt nghiệp THPT sẽ được tạo cơ hội việc làm nếu đảm bảo các tiêu chí về hình thể, thời gian đào tạo từ 3 đến 9 tháng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với mức chi phí từ 38 đến 70 triệu đồng/1 học viên. Công ty hỗ trợ trọn gói cho học viên vào hãng hoặc sân bay có mức thu nhập tốt. Đối với tiếp viên hàng không sau khi vào hãng thì mức lương sẽ được hưởng từ 20 - 40 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Giám đốc Văn phòng tuyển sinh hàng không tại Thanh Hóa: Hiện Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được phê duyệt là cảng hàng không quốc tế nên rất cần nguồn nhân lực. Ngoài ra, có nhiều cảng hàng không, sân bay trong và ngoài nước có nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn hiện nay hướng phát triển của Văn phòng tuyển sinh hàng không Thanh Hóa là hướng mở trong đó tập trung vào các đối tượng đã học xong chương trình THPT, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chưa có việc làm, bộ đội xuất ngũ. Chỉ cần người lao động chịu khó, ham học hỏi, có trình độ ngoại ngữ, có kỹ năng giao tiếp là có cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Bài và ảnh: Đức Vũ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/co-hoi-viec-lam-va-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-lao-dong-33628.htm