Có kiến thức mới tiếp nhận được chủ trương, chính sách

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn): Đến nay Bộ trưởng đã nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được 1/2 nhiệm kỳ. Nếu được chọn một vấn đề mà Bộ trưởng trăn trở nhất về công tác dân tộc thì đó là vấn đề gì? Bộ trưởng đã làm những gì để giải quyết trăn trở này? Khó khăn và thuận lợi ra sao? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: L.Hiển

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: L.Hiển

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Tôi mới được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hơn 1 năm, nhưng thực tiễn trong suốt quá trình công tác của tôi đều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lĩnh vực công tác đều liên quan trực tiếp hoặc là gián tiếp đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, và tôi cũng là một người dân tộc thiểu số. Nếu nói điều trăn trở nhất trong thực hiện chính sách dân tộc hoặc về lĩnh vực công tác dân tộc là gì thì báo cáo các đại biểu, cảm xúc ở mỗi vị trí công việc khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau. Nhưng hiện nay, với tư cách Bộ trưởng, Chủ nhiệm, trước hết tôi nghĩ rằng mình phải hoàn thành trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao là việc số 1. Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phối hợp với bộ, ngành triển khai các chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, công tác dân tộc, tôi sẽ cố gắng làm hết sức của mình để hoàn thành nhiệm vụ đó.

Điều thứ hai có lẽ phải chung với trăn trở của bà con Nhân dân. Bà con Nhân dân trăn trở cái gì? Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho bà con dần dần từng bước đã hoàn thiện. Nhưng điều tôi suy nghĩ nhất là dù chúng ta có chính sách đến đâu, chúng ta có nguồn lực nhiều đến đâu, nếu bà con Nhân dân không nhận thức được hoặc là không tiếp nhận được, không đồng lòng với cái đó và không cùng với Nhà nước để làm cái đó thì cũng sẽ không thành công.

Cho nên vấn đề trăn trở nhất của tôi là nhận thức của người dân và để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân phải chung tay cùng làm. Để giải quyết vấn đề này thì không gì hơn là giáo dục. Bà con Nhân dân phải có kiến thức, biết tiếng Việt, biết về khoa học kỹ thuật, biết mọi thứ thì mới tiếp nhận được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cộng với sự hỗ trợ từ chính sách, công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một bài học rất tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

N.Linh lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/co-kien-thuc-moi-tiep-nhan-duoc-chu-truong-chinh-sach-i332145/