Cỗ máy đánh chặn F-35 mang lượng tên lửa kỷ lục
Với giá treo vũ khí thế hệ mới Sidekick, tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ có thể mang theo số tên lửa đánh chặn nhiều kỷ lục.
Hãng Lockheed Martin tuyên bố đang phát triển hệ thống giá treo vũ khí trong khoang thế hệ mới Sidekick dành cho tiêm kích tàng hình F-35A và F-35C của Quân đội Mỹ. Với Sidekick cho phép dòng tiêm kích tàng hình F-35 tăng cường khả năng đánh chặn mà không làm giảm tính năng tàng hình.
"Phiên bản F-35A và F-35C hiện có thể mang 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 (AMRAAM). Giá treo mới cho phép khoang vũ khí của chiến đấu cơ này chứa thêm hai tên lửa không đối không AMRAAM tiên tiến. Do đó, F-35 có thể phóng nhiều tên lửa hơn vào đối thủ khi không chiến", một đại diện của Lockheed Martin cho biết.
Nguồn tin này khẳng định việc bổ sung hai tên lửa có thể làm tăng trọng lượng máy bay nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến lực cản cũng như tính năng tàng hình của F-35 bởi giá treo vũ khí mới Sidekick được thiết kế để nằm gọn bên trong khoang vũ khí của F-35.
Hiện giá treo Sidekick chỉ có thể lắp đặt trên hai phiên bản F-35A của Không quân và F-35C của Hải quân. Phiên bản F-35B của Thủy quân lục chiến có khoang vũ khí nhỏ hơn do phải dành không gian cho hệ thống quạt nâng để có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Nhà sản xuất của F-35 tiết lộ, hiện chiến đấu cơ này có thể tham chiến theo hai chế độ là Tàng hình và Quái thú. Chế độ tàng hình thường được áp dụng trong giai đoạn đầu cuộc chiến, trong đó toàn bộ vũ khí được giấu trong khoang của máy bay, đảm bảo khả năng ẩn mình tối đa cho những chiếc F-35.
Và khi hệ thống phòng không và không quân đối phương đã bị chế áp, F-35 có thể chuyển sang chế độ Quái thú, tận dụng các giá treo vũ khí dưới cánh, hy sinh tính năng tàng hình để tăng hỏa lực tấn công mặt đất. Ở chế độ này, F-35 có thể mang tới 10 tấn vũ khí.
"Khi chính thức được trang bị Sidekick, tiêm kích F-35 Mỹ sẽ mang theo số lượng AIM-120 nhiều kỷ lục và trở thành những cỗ máy không chiến có thể đe dọa bất kỳ chiến đấu cơ từ đối thủ nào trên thế giới", nhà sản xuất Mỹ cho biết thêm.
Theo War Zone, việc tăng cường số lượng AIM-120 cho F-35 trong mỗi chuyến bay có ý nghĩa đặc biệt bởi vũ khí này hiện được coi là một trong những loại tên lửa không đối không mạnh nhất của Mỹ.
Sự ra đời của AIM-120 nhằm thay thế cho mẫu tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động AIM-7 Sparrow bị coi là lỗi thời. Để tăng cường hiệu quả chiến đấu, AIM-120 sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu.
Ngay sau khi phóng, các thông số về mục tiêu liên tục được cập nhật từ. Trong giai đoạn giữa và sang đến thời kỳ công kích thì nó sẽ bật đầu dò radar dẫn đường tích hợp trên quả đạn để tự xử lý nốt công việc còn lại. Phi công có thể đồng thời bắn nhiều tên lửa AIM-120 cùng lúc vào những mục tiêu khác nhau.
Nếu tác chiến chống mục tiêu ở cự ly gần, đầu tự dẫn radar chủ động của AIM-120 có thể kích hoạt ngay sau khi rời bệ phóng và tự tìm mục tiêu. Đây là lý do khiến AIM-120 được đánh giá là dòng tên lửa không đối không nguy hiểm hàng đầu hiện nay trong Quân đội Mỹ.