Có một an toàn khu ở vùng ven Hà Nội

Khi nhắc đến cụm từ An toàn khu thời kháng chiến chống Pháp, thế hệ hôm nay thường mường tượng đến những địa danh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn… đã đi vào lịch sử.

Ít người biết rằng, từ trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay sát Hà Nội đã từng có một vùng đất cũng được xem là An toàn khu tiếp đón các lãnh tụ và các cán bộ của Đảng về hoạt động bí mật, chỉ đạo cách mạng. Đó là xã Võng La thuộc An toàn khu Đông Anh, Hà Nội. Và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận chống càn oanh liệt.

Từ những hạt giống cách mạng đầu tiên

Ngược dòng lịch sử, vào đầu thế kỷ XIX, Võng La là một xã đứng đầu tổng Võng La thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Võng La được nhập vào tổng Hải Bối, huyện Đông Anh (mới được thành lập), phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (từ năm 1901 huyện Đông Anh được cắt chuyển sang tỉnh Phù Lỗ, năm 1904 là tỉnh Phúc Yên). Xã Võng La gồm 3 làng Sáp Mai, Đại Độ và Võng La.

 Chi bộ thôn Võng La, tại nhà Truyền thống An toàn khu Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945 xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Chi bộ thôn Võng La, tại nhà Truyền thống An toàn khu Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945 xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) đã xác định đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sau Hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng An toàn khu (ATK) tại các vùng xung quanh Hà Nội. Theo đánh giá, Đông Anh có lực lượng dân nghèo đông đảo, địa thế nằm ven sông Hồng, qua lại với huyện Hoài Đức bằng đò rất thuận tiện, lại giáp với nội thành Hà Nội, dễ dàng thu thập tin tức. Do đó, Trung ương đã cử một đội công tác gồm 3 người về Đông Anh xây dựng cơ sở. Phụ trách khu vực từ Ba Đê lên vùng Võng La (thuộc huyện Đông Anh), một phần huyện Yên Lãng và vùng Liên Mạc, Phú Thượng (quận Tây Hồ ngày nay) là đồng chí Trần Thị Sáu.

Và từ tháng 7-1941, đồng chí Trần Thị Sáu đã về làng Võng La để xây dựng cơ sở bí mật. Tại đây, bằng kinh nghiệm công tác quần chúng, đồng chí Sáu đã vận động gia đình bà Lý Lờ (tên thật là Hoàng Thị Cốc) trở thành cơ sở bí mật đầu tiên của Đảng tại Võng La, sau đó nhiều quần chúng tích cực khác cũng đã được giác ngộ, tự nguyện tham gia hoạt động cách mạng.

Đến năm 1942, cũng tại Võng La, thay mặt Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã kết nạp 3 thành viên của tổ Việt Minh vào Đảng và thành lập Chi bộ do đồng chí Phan Thanh Xuân làm Bí thư (nay là Đảng bộ xã Võng La). Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh. Nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Võng La là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cuộc họp và nơi làm việc của các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng tại địa phương.

Từ đó cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Võng La là một trong những cơ sở cách mạng hoạt động tích cực ở An toàn khu Đông Anh. Cả xã có 12 gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật. Đó là các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng. Các cơ sở cách mạng trên cũng là nơi an toàn tổ chức nhiều hội nghị quan trọng quyết định đến vận mệnh của dân tộc và đất nước. Nơi đây có nhiều gia đình góp của cải giúp bộ đội mua lương thực, thuốc, súng đạn, có những gia đình đã hy sinh đến người cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng.

Có thể kể đến những tấm gương bất chấp hy sinh, gian khổ, một lòng vì cách mạng như cụ Lý Lờ (Hoàng Thị Cốc), người đầu tiên trong làng Võng La nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cụ Nguyễn Thị Oánh là giao thông liên lạc của Trung ương ở an toàn khu đã không quản ngại nguy hiểm luôn hoàn thành nhiệm vụ trao đổi thư từ, sách báo từ Hà Nội về an toàn khu và ngược lại. Cụ Nguyễn Đình Ân là người chuyên chở đò đưa đón cán bộ trung ương qua bờ nam sông Hồng vào nội thành Hà Nội…

 Một trong những địa chỉ nuôi giấu các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1941-1945.

Một trong những địa chỉ nuôi giấu các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1941-1945.

Vào tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương văn hóa cứu quốc. Cây gạo đầu làng và ngọn tháp trong chùa Bạch Sam là điểm liên lạc và nơi đặt hòm thư của Trung ương. Ngôi tháp được sử dụng như một hộp thư bí mật trao đổi liên lạc tài liệu mà chưa một lần bị địch phát hiện. Cây gạo ở chùa Bạch Sam cùng cây gạo Xù ở làng Phú Thượng (quận Tây Hồ) là điểm hẹn, liên lạc và trao đổi thư từ, đồng thời là mốc tiêu đánh dấu cho cán bộ cách mạng từ xa tìm về An toàn khu.

Từ làng Chài (Võng La), ánh sáng của Đảng chiếu rọi đến các làng, xã ven bờ Bắc sông Hồng như Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Xuân Trạch… đã biến Đông Anh thành vành đai bảo vệ Trung ương. Đây cũng chính là địa điểm Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, thông qua "Đề cương văn hóa Việt Nam" vào tháng 2-1943.

Chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), có hơn 4 năm bị giặc chiếm đóng, Chi bộ Đảng và nhân dân Võng La đã anh dũng chiến đấu với gần 30 trận chống càn, diệt hàng trăm tên địch trong nhiều trận đánh nổi tiếng. Trong thời gian này, Võng La có 320 người tham gia quân đội, 278 người tham gia du kích, toàn xã có 12 gia đình có công với nước, 32 gia đình có công với cách mạng… Tính chung hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, xã Võng La có 11 mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 157 liệt sĩ, 62 thương binh... Với những cống hiến, hy sinh to lớn đó, năm 2005, xã Võng La đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Hướng tới tương lai từ điểm tựa lịch sử

Tiếp nối truyền thống của vùng quê cách mạng, Võng La đã và đang từng bước đổi mới mạnh mẽ để bứt phá, vươn lên bằng chính thế mạnh địa phương được khai thác hiệu quả. Đảng bộ và chính quyền xã đang có những quyết sách hợp lý để tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

 Nghề làm đậu phụ truyền thống đang mang lại thu nhập chính cho người dân làng Võng La.

Nghề làm đậu phụ truyền thống đang mang lại thu nhập chính cho người dân làng Võng La.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, khu vực huyện Đông Anh - trong đó có địa bàn Võng La được xác định là đô thị trung tâm văn hiến, văn minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu phía Bắc sông Hồng, là trung tâm văn hóa tài chính lớn của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Những ngày thu này, bên dòng sông Hồng hiền hòa, Đảng bộ và nhân dân xã Võng La đang náo nức chờ đợi, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm lịch sử. Tri ân và tự hào về nguồn mạch truyền thống của các thế hệ tiền bối, người dân Võng La - với bản tính cần cù, năng động vẫn đang tiếp tục bồi đắp, đóng góp sức mình cho tương lai phồn vinh, hạnh phúc.

Bài, ảnh: THÁI ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/co-mot-an-toan-khu-o-vung-ven-ha-noi-708042