Có một Hà Nội hào hoa trong lòng thành phố mang tên Bác | Hà Nội tin mỗi chiều

Những ngày này, con phố Nguyễn Huệ thành phố Hồ Chí Minh trở nên rực rỡ, rộn ràng với hình ảnh cầu Long Biên, mái chợ Đồng Xuân, cửa ô Quan Chưởng, làng nón Chuông, góc phố Phùng Hưng...Và nhiều nữa, những tinh hoa ẩm thực, văn hóa Hà Nội hiện diện giữa con phố sống động bậc nhất Sài Gòn. Đây là hoạt động nằm trong chương trình 'Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh'.

Trong lễ khai mạc tối 23/8, chương trình nghệ thuật với chủ đề "Dấu son Hà Nội" với các màn trình diễn ca múa đặc sắc lấy ý tưởng từ Cột cờ Hà Nội - Di tích lịch sử đặc biệt, một trong những biểu tượng, chứng tích lịch sử của Thủ đô kiên cường bất khuất. Vẻ đẹp của đất và người Hà Nội được thể hiện qua sân khấu, tái hiện bằng những khung tranh "Phố Phái" gợi nhiều cảm xúc.

Đạo diễn Phạm Hoàng Giang - Tổng đạo diễn của chương trình chia sẻ: "Dấu son Hà Nội là dấu son của lịch sử - dấu son của hiện tại và dấu son của tương lai trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tất cả đã tạo nên một Thủ đô Hà Nội kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc".

Chương trình nghệ thuật "Dấu son Hà Nội”.

Chương trình nghệ thuật "Dấu son Hà Nội”.

Điểm nhấn của chương trình là khu vực triển lãm nằm với nhiều phân khu đặc sắc. Trong đó, không gian Hào khí Thăng Long được thiết lập với cổng chào, biểu trưng logo Hà Nội và tượng đài Cảm tử, tạo nên sắc màu thiêng liêng, trang trọng.

Các tiểu cảnh như Trung Thu Hà Nội, hồ Gươm, phố Bích họa, sắc hoa Hà Thành và trụ sở Báo Hà Nội mới cũng góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện, đưa tiết thu Hà Nội vào với Sài Gòn, giúp người dân phương Nam có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận về vẻ đẹp của Thủ đô.

Biểu tượng thành phố Hà Nội cùng khẩu hiệu đầy thân thương.

Biểu tượng thành phố Hà Nội cùng khẩu hiệu đầy thân thương.

Tại “Phố nghề, làng nghề Hà Nội Xưa và Nay” có 28 gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, gồm sản phẩm xưa thể hiện cho giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và sản phẩm nay thể hiện sự hội nhập, phát triển.

Gốm sứ Bát Tràng, Gỗ và Sơn son thếp vàng Sơn Đồng, Đúc đồng Ngũ Xã, Lụa Vạn Phúc, Sơn mài Hạ Thái, Mây tre đan Phú Vinh, Tơ tằm Phùng Xá, Kim hoàn Hàng Bạc. Ngoài ra, có trình diễn hoạt động làng nghề Chuồn chuồn Tre Trạch Xá, Nón Làng Chuông, Tò he Phượng Dực. Du khách có cơ hội được tìm hiểu về lịch sử làng nghề và trải nghiệm làm thử sản phẩm.

28 gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề.

28 gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề.

Sản phẩm tò he Phượng Dực.

Sản phẩm tò he Phượng Dực.

Trong khuôn khổ chương trình "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh", tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1), Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc trưng bày chuyên đề Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau, và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam.

Không gian trưng bày chuyên đề Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau với 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh. Tại đây cũng giới thiệu hệ thống các di tích và hiện vật tiêu biểu của Hoàng Thành Thăng Long trải qua hơn 1000 năm lịch sử như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu.

Trưng bày Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa từ khi chập chững học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước. Ngoài những tư liệu khoa học và tranh ảnh, trưng bày còn đan xen hài hòa với các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo AI.

Hà Nội trao tặng Thành phố Hồ Chí Minh phiên bản trống đồng Cổ Loa - bảo vật quốc gia.

Hà Nội trao tặng Thành phố Hồ Chí Minh phiên bản trống đồng Cổ Loa - bảo vật quốc gia.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trưng bày Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam là hoạt động góp phần quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo, trường tồn của Thăng Long - Hà Nội. Qua đó góp phần phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản văn hóa, du lịch, kinh tế của cả hai thành phố. Các hoạt động trưng bày mở cửa phục vụ du khách, công chúng đến ngày 31/10.

Những năm qua, Hà Nội luôn coi trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, hướng đến một hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách. Tại Thủ đô Hà Nội cũng đang diễn ra Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề "Thức quà Hà Nội".

Cùng với "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh", những hoạt động văn hóa này là cơ hội lớn để Hà Nội giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước về vẻ đẹp văn hóa, con người, và ẩm thực độc đáo của vùng đất ngàn năm văn hiến.

Từ sự kiện này, hình ảnh Thủ đô thêm thân thiện, lâu bền với người dân phương Nam; sự kết nối, hợp tác giữa hai thành phố lớn sẽ thêm bền chặt, ngày càng hiệu quả.

Thanh Duyên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-mot-ha-noi-hao-hoa-trong-long-thanh-pho-mang-ten-bac-ha-noi-tin-moi-chieu-260891.htm