Có một Sầm Sơn 'huyền thoại' trong kí ức tuổi thơ

Đến bây giờ, hơn 30 tuổi, đi đây đi đó, trong Nam ngoài Bắc nhưng trong kí ức của mình, Sầm Sơn vẫn là cái tên huyền thoại.

Có một Sầm Sơn in hằn trong kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ

Có một Sầm Sơn in hằn trong kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ

Lần đầu tiên trong đời, mình được đi biển ở thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn). Sau đó mỗi năm, mình lại được đi Sầm Sơn một lần. Hồi đó, mình còn nhỏ nên cũng không thắc mắc nhiều, cứ tưởng rằng, Việt Nam chỉ có mỗi một biển tên là Sầm Sơn. Sau này mới biết, vì đi Sầm Sơn rẻ, mà mỗi năm cơ quan của bố thời bấy giờ chắc cũng chỉ đủ tiền cho gia đình cán bộ, công chức đi du lịch Sầm Sơn một lần thay vì đi loanh quanh Hà Nội.

Thế là cứ đến hẹn lại lên, những ngày tháng 6 nóng như đổ lửa, gia đình mình lại hoan hỉ đi Sầm Sơn. Đoàn thường xuất phát lúc 5h sáng, nhà mình phải dậy từ 3 rưỡi đêm để chuẩn bị đồ đạc đi đến điểm tập kết cho kịp giờ. Sự háo hức đó đã trở thành động lực để dù vượt qua chặng đường hơn 150km từ Hà Nội vào Thanh Hóa thì mình vẫn tràn trề năng lượng.

Hồi đó, xe chưa có điều hòa, mỗi lần ngồi lên xe, mùi xăng khét lẹt. Mấy chục con người thi nhau thở, bố thường an ủi mình rằng: “Tí xe chạy là mát ngay!”. Cũng vì xe nóng, bí nên mọi cửa sổ đều mở để đón gió. Và chỉ cần đi đến huyện Hoằng Hóa là đã “nghe” mùi biển nồng đậm xộc thẳng vào mũi, đánh thức thần trí đang lơ mơ và lấp đầy khoang phổi bằng thứ không khí tươi mới đầy khoan khoái. Ấy là thứ mùi tanh tanh, mằn mặn và thật nhiều hơi nước.

Đi biển nhất định phải chụp ảnh kỉ niệm

Đi biển nhất định phải chụp ảnh kỉ niệm

Xe hồi ấy chạy chậm nên thường đến Sầm Sơn vào giữa trưa. Con đường chính đi thẳng ra phía biển, nên từ rất xa đã có thể thấy cả một vùng xanh ngút mắt. Những con sóng bạc đầu nối nhau xô vào bờ dào dạt. Mặt trời chính Ngọ chiếu xuống khiến mặt nước lấp lánh như chứa cả một bầu trời sao. Bọn trẻ con chúng mình quên hết mệt mỏi, thậm chí còn không ăn cơm trưa, chỉ chực chờ để được lao thẳng ra biển.

Biển Sầm Sơn đẹp nhất vào lúc sáng sớm, khi con sóng triều đánh vào bờ những con sò hãy còn đang sống, chúng mở miệng, khép miệng như chơi ú òa. Dọc đê, người ta hò nhau kéo lưới, và các bà, các chị trong làng thì đã cắp rổ đứng đợi thuyền cập bến. Những con thuyền nhỏ rũ lưới, đổ ra toàn cá, cua, như mang cả thế giới đại dương kì thú đổ ra trước mắt bọn trẻ.

Bác chụp ảnh và chú cá heo hơi “huyền thoại” của các em nhỏ

Bác chụp ảnh và chú cá heo hơi “huyền thoại” của các em nhỏ

Những ngày đó nhà mình còn nghèo, nhưng mẹ vẫn quyết định “xuống tiền” mua một con mực nướng to để thưởng thức. Cái vị con mực ngày đó đến giờ mình vẫn còn nhớ mãi. Và dù đi Sầm Sơn 100 lần, thì 101 lần bạn sẽ được tham gia các hoạt động du lịch truyền thống bao gồm: đi xe xích lô (giờ là xe điện) quanh thành phố, thăm hòn Trống Mái, viếng đền Độc Cước, chụp ảnh với phao bơi cá heo, đội mũ cao bồi cưỡi ngựa vằn và đi chợ hải sản mua quà biếu...

Thế rồi, khi trở về, đám trẻ con đứa nào đứa nấy đều hớn hở trong chiếc áo huyền thoại chỉ khác nhau mỗi năm sản xuất: Sầm Sơn Biển Nhớ 1997, Sầm Sơn Biển Đợi 1998, Sầm Sơn Biển Gọi 1999, Sầm Sơn Kỉ Niệm Hè 2000...

Sầm Sơn, cho đến tận bây giờ, vẫn còn là một vùng biển nhớ...

Đào Thị Trang (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/co-mot-sam-son-huyen-thoai-trong-ki-uc-tuoi-tho-31452.htm