Có một tấm lòng tận tụy với môi trường
Câu chuyện thu gom rác thải, nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường ở xã vùng cao Phong Phú (Tuy Phong) do công an viên của xã phát động đem lại hiệu quả, nhưng cùng với đó khó khăn đặt ra cần sự chung tay để duy trì.
Có một tấm lòng tận tụy với môi
Chuyện gom rác của Thắng
Con đường bê tông dẫn vào thôn 1 - xã Phong Phú sạch sẽ. Chỉ vào một góc trước ngõ cạnh đám hoa mười giờ đang nở rộ, ông Nguyễn Văn Minh một người dân trong thôn nói: “Rác cứ để đầu ngõ, cứ thứ 4, thứ 7 hàng tuần lại có xe cậu Thắng đến tận nhà dọn đi, thuận tiện lại sạch sẽ nên tình trạng vứt rác “trộm” cũng không còn nữa, xóm làng mình sạch, đẹp lên”. Người ông Minh nhắc đến là Võ Chí Thắng ở thôn Tuy Tịnh 1, (sinh năm 1990) dáng người nhỏ nhắn, độc thân, hoạt bát. Thắng tốt nghiệp Trường trung cấp An ninh nhân dân II và làm công an viên xã Phong Phú từ năm 2012. Trong thời gian công tác, Thắng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và từng đoạt giải cuộc thi công an xã giỏi cấp tỉnh năm 2015. Dù bận bịu, chàng thanh niên vẫn dành thời gian góp sức làm đẹp môi trường được nhiều người cảm mến.
Phong Phú là xã khó khăn với 6 thôn, nằm khu vực lòng chảo bao quanh bởi các dãy núi, dân cư dàn trải. Riêng 2 thôn Nha Mé, La Bá cách xa trung tâm xã đến 20 cây số nên xe chuyên dụng thu gom rác thải của BQL Công trình công cộng huyện không thu gom được. Nhiều lần chứng kiến rác thải sinh hoạt vương vãi khắp nơi từ những bãi đất trống rồi 2 bên đường. Hàng xóm cãi nhau chỉ vì chuyện nhà bên đốt rác, mùi khói nilon xồng xộc ùa vào nhà... Mặc dù chính quyền xã vận động các đoàn thể, người dân ra quân dọn vệ sinh nhưng rồi đâu lại vào đó. Vì vậy năm 2018, Thắng đã quyết định mua xe đi thu gom rác tạo thu nhập cho bản thân cũng là cách bảo vệ môi trường. “Lúc đầu em cũng lo lắng việc thu gom rác có phí, do bà con mình còn nghèo, 20.000 đồng/tháng là số tiền phải dè dặt vì còn các khoản tiền nước, internet… Đắn đo nhưng em vẫn quyết tâm đăng ký với chủ tịch xã thực hiện”, Thắng kể lại.
Được địa phương đồng ý, Thắng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp đầu tư mua xe gom rác, đồng thời tuyên truyền bà con không bỏ rác bừa bãi. Trong xã, nhiều người dân có ý thức bảo vệ môi trường ủng hộ cách làm của Thắng, ngoài ông Minh, còn có cô Bông, chú Dũng… Vì vậy, hễ thấy người dân nào từ chối đăng ký dọn rác họ kiến nghị UBND xã làm sao tuyên truyền để người dân hiểu mà tham gia, không để môi trường bị ô nhiễm. Kết quả, thôn 1 có số hộ đăng ký xe chở rác nhiều nhất xã, môi trường xung quanh sạch sẽ. Lấy đó làm động lực, Thắng vận động thêm các hộ nghèo, neo đơn cùng tham gia. “Hộ khó khăn em bớt hoặc không thu phí, chỉ cần đồng ý tham gia là em vui rồi”, Thắng nói.
Chuyện gom rác ở vùng nông thôn cũng không dễ dàng. Có hộ đổ bỏ từ cây, cối cồng kềnh bắt dọn đi, nếu mình từ chối dọn họ không tham gia, Thắng dọn rồi tìm cách nói khéo để họ hiểu phân loại rác mà tận dụng bón cho cây. Dù cố gắng, nhưng hiện tại chỉ có hơn 500 hộ trong tổng số hơn 2.000 hộ dân toàn xã đăng ký dọn rác. Vẫn còn hộ lén bỏ rác ra đường.
Cần “tiếp sức”…
Từ 2018 đến nay, Thắng duy trì thu gom 2 lần/tuần, mỗi lần 2 chuyến xe tải đầy rác. Xe đã thu gom rác được 4 thôn tập trung đông dân cư là Tuy Tịnh 1, Tuy Tịnh 2, thôn 1, thôn 2. Mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương từ xã, huyện đánh giá cao về tính khả thi, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường. Năm 2019, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong khen thưởng mô hình, tiếp đó năm 2020 huyện Tuy Phong tuyên dương mô hình trong hội nghị sơ kết Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn khu phố năm 2020”. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu vốn đầu tư lại xe chuyên dụng trọng tải lớn, việc thu hồi vốn thời gian qua rất chậm vì số lượng hộ đăng ký không nhiều, chưa kể hộ chậm đóng phí hoặc không đóng phí nên rất khó khăn. Hiện tại, một mình Thắng đảm nhiệm tất cả các khâu từ thu gom, thu phí… là cách lấy công bù đắp bớt chi phí, chưa kể hàng tháng trả các chi phí bảo dưỡng xe, nợ ngân hàng.
Trước khó khăn này, Thắng vừa được Huyện đoàn Tuy Phong đưa vào chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tư vấn tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Chính phủ do Trung ương Đoàn quản lý. Anh Phan Hoài Bảo - Bí thư Huyện đoàn Tuy Phong cho biết: “Huyện đoàn trong khả năng sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ Thắng để duy trì mô hình như: Tư vấn tiếp cận vốn vay, yêu cầu Xã đoàn Phong Phú đồng hành cùng Thắng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nâng cao ý thức và ký cam kết bảo vệ môi trường. Cũng như cử đoàn viên xã giúp sức đi thu tiền phí gom rác thải hàng tháng, nhất là đối với một số hộ chậm đóng hoặc không đóng”.
Thời gian qua, huyện Tuy Phong là địa phương có nhiều cách làm hay, xuất hiện nhiều tấm gương sáng tận tụy vì môi trường như ông Cửu ở xã Phước Thể ở tuổi xưa nay hiếm lặng lẽ nhặt rác, cô Sáu ở xã Vĩnh Tân tái chế rác nhựa làm giỏ, chậu hoa… và Thắng góp thêm tấm gương người tử tế trẻ tuổi vì môi trường. Câu chuyện Thắng cũng xới lên suy nghĩ về ý thức bảo vệ môi trường vùng nông thôn, rất cần sự chung tay hơn nữa của ngành chức năng, chính quyền và chính người dân. Bởi môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng chất lượng sống người dân, bảo vệ môi trường không phải trách nhiệm của riêng ai.
Tháng 11/2020, Thắng thuộc diện giải quyết xuất ngũ do tinh giản nhân sự… Chàng “phu rác” trẻ tuổi ấy vẫn từng ngày thầm lặng lái chiếc xe rác len lỏi đường nhỏ trong xã, khom mình bưng từng túi rác nặng mùi lên xe. Tôi nhìn theo chiếc xe chầm chậm lăn bánh ra con đường lớn bao quanh bởi núi rừng, chiếc xe như chở cả sự nặng nhọc và nỗi buồn đằng sau ấy cho đến khi chỉ còn là chấm nhỏ giữa màu xanh ngút ngàn.
Thanh Duyên