Có một xưởng gốm ở xứ Thanh

Không chỉ có thao tác nặn, tạo tác mà khi đến với xưởng gốm của họa sĩ Trần Xuân Tý, mọi người sẽ có thể làm ra sản phẩm gốm hoàn thiện với các hình thù và màu sắc như mình mong muốn.

Họa sĩ Trần Xuân Tý.

Họa sĩ Trần Xuân Tý.

Vốn là họa sĩ điêu khắc nhưng họa sĩ Trần Xuân Tý (sinh năm 1984) còn có niềm đam mê với gốm, anh đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu và mở xưởng gốm, trại gốm với mong muốn sẽ có thêm nhiều người đồng hành.

Tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, sau thời gian lăn lộn ở thủ đô, Trần Xuân Tý trở về quê nhà làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa. “Gốm rất gần với điêu khắc vì cùng liên quan đến đất. Từ khi ở trường đại học tôi đã có nhiều sự va chạm với gốm. Tuy nhiên, để tìm hiểu sâu thì chưa”, họa sĩ Trần Xuân Tý bộc bạch.

Không mấy người nghĩ, Trần Xuân Tý có lúc sẽ dành nhiều thời gian cho gốm đến vậy. Vì so với những người làm gốm thì anh có nhiều điểm bất lợi. Hầu hết họ có điều kiện kinh tế, xuất thân trong gia đình truyền thống nghề nghiệp, từ nhỏ đến lớn học theo từ đời ông, đến đời cha... Họ có thể điều khiển được lửa như một thói quen, dễ như ăn cơm vậy. Trần Xuân Tý chia sẻ: “Tôi nghĩ đơn giản là đến với gốm tôi có thể khám phá được nhiều điều mà mình chưa biết, không đơn thuần là nặn thành một hình thù gì đó. Xưa, gốm được nung bằng củi, sau đến lò ga, và bây giờ là lò điện. Mỗi một cách nung sẽ cho sản phẩm khác nhau. Nhưng một người mới như tôi, nhờ có công nghệ lò điện ra đời, tôi mạnh dạn tiếp cận với gốm”.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, nghệ thuật gốm Việt Nam hiện đại đã đi từ những công năng thông thường của chất liệu tiến đến những tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật. Nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã mượn chất liệu này như một cách bày tỏ quan điểm, nỗi lòng của mình, truyền cho nó một diện mạo mới. Thông qua gốm, những nhẹ nhàng mỏng mảnh như sương mai hay những quằn quại đau đớn dày vò, sự cào cấu trên thể hình của sự biến dị trong hình thức của gốm, người nghệ sĩ được vẫy vùng, được vuốt ve, âu yếm, được buông thả. Họ có thể là những người chuyên nghiệp, nhà điêu khắc, họa sĩ hoặc là những người bình thường yêu gốm, yêu trải nghiệm, những cô cậu học trò còn chập chững những nét chữ, nét vẽ đầu đời. Đó cũng chính là sức hấp dẫn của gốm.

Để minh chứng điều đó, họa sĩ Trần Xuân Tý nói: Cùng một chiếc cốc khi được hỏa biến sẽ ra những sản phẩm và màu sắc khác nhau. Năm 2008, tôi đã mua lò gas chủ yếu phục vụ việc sáng tác. Hơn 10 năm sau mới đầu tư công sức hơn nữa để đi học tập, tìm hiểu về gốm. Đặc biệt, tôi dành hơn một năm lăn lộn ở các lò gốm, nghiên cứu chuyên sâu. Đi càng sâu, tôi càng bị choáng ngợp và mê hoặc. Gốm là một ngành nghề, càng khám phá càng khó, đặc biệt đạt đến trình độ nghệ thuật thì càng khó. Nếu không đủ các kỹ thuật thì sản phẩm làm ra chỉ có thể là sành chứ chưa phải là gốm”.

Sản phẩm gốm Việt có thể không được tinh xảo, không hấp dẫn người ta ở vẻ bề ngoài nhưng từng đồ gốm giống như một tác phẩm nghệ thuật, không cái nào giống cái nào. Gốm mộc mạc, tình cảm và càng sống lâu với nó càng thấy có duyên thầm. Bắt tay vào công việc, Trần Xuân Tý phải vượt qua những khó khăn từ kinh tế, đam mê, sự rẽ hướng với mong muốn thử thách mình để tạo ra những sản phẩm gốm mang dấu ấn riêng. Nghe cách Trần Xuân Tý nói chuyện, tôi hiểu với một họa sĩ, anh sẽ phải có những yêu cầu cao hơn. Một cái cốc không chỉ để uống nước, hơn hết đó là chiếc cốc đẹp, mang thông điệp của người làm ra nó và thể hiện gu thẩm mỹ của người dùng.

Trần Xuân Tý nói: Từ khi về Thanh Hóa, tôi nhận ra khoảng trống về gốm ở quê mình. Gốm chưa phát triển, chưa được chú ý. Từ đó tôi có ý tưởng đưa gốm vào đời sống giải trí, trải nghiệm của các em nhỏ, với mong muốn khi các em tiếp cận đến một trình độ nào đó, có thể cho ra những sản phẩm nghệ thuật, những tác phẩm điêu khắc gốm.

Bắt đầu từ việc nhỏ, khiến mọi người tiếp cận được với đất, với màu, với từng nét vẽ và với lò nung, Trần Xuân Tý mở phòng gốm ở số 3/48 Ỷ Lan, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Dù phòng gốm mở chưa lâu, nhưng anh và các họa sĩ của Ban Mỹ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã cùng nhau làm workshop gốm với mong muốn chia sẻ, trao đổi. Workshop chỉ là bước dạo, một chút truyền thông để mọi người biết đến gốm. Sự kiện Workshop gốm này có thể quy mô chưa lớn, sản phẩm tạo hình chưa nhiều, nhưng nó là một tín hiệu vui đối với sự phát triển của nghệ thuật gốm tại Thanh Hóa.

Các họa sĩ của Ban Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh tham gia Workshop.

Các họa sĩ của Ban Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh tham gia Workshop.

Được biết, ngoài những người tham gia là dân nghệ thuật chuyên nghiệp, còn có những lớp vẽ nhí của các trung tâm mỹ thuật tại Thanh Hóa hướng dẫn học sinh đến học tập, trải nghiệm. Tôi nghĩ, điều này là điểm nhấn quan trọng nhất trong Workshop của Trần Xuân Tý. Bởi vì, khi bắt đầu bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, người ta cũng phải bắt đầu từ những trải nghiệm sơ khai nhất, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất...

Trước đó, Trần Xuân Tý đã hướng dẫn và truyền dạy cho nhiều em nhỏ ở một số trung tâm. Tuy nhiên, “đến với phòng gốm của tôi, các em có thể làm từ A đến Z để mang về sản phẩm do chính tay mình làm, có thể sử dụng hoặc trưng bày”. Quả thật, đầu tư vài trăm triệu, là cả vấn đề với một họa sĩ trẻ. Trần Xuân Tý cũng vậy, nhưng anh “bất chấp”: “Yêu nghề là làm, không cần nhiều lý do lắm”. Khi mọi người đến đây, ngoài việc được hướng dẫn từng thao tác nặn, tạo tác, chính họa sĩ Trần Xuân Tý và các sinh viên Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa còn hỗ trợ để đảm bảo được kỹ thuật khi nung.

Tôi biết chặng đường phía trước là khá dài đối với họa sĩ trẻ Trần Xuân Tý. Để biến một cuộc chơi thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, không chỉ có đam mê, còn phải cả tiềm lực kinh tế để duy trì và tái đầu tư. Tuy nhiên, có khởi đầu nào mà không gian nan. Đúng như họa sĩ Phạm Văn Thắng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Họa sĩ Trẻ Lam Sơn, khẳng định: Để có được xưởng vừa làm gốm vừa làm điêu khắc là cả sự cố gắng lớn của họa sĩ Trần Xuân Tý. Đây cũng là địa điểm bổ ích không chỉ với học sinh, sinh viên mà ngay cả với anh em văn nghệ sĩ. Từ đây, trong thời gian sắp tới Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa sẽ có cuộc triển lãm gốm của thầy và trò nhà trường.

Hy vọng, từ xưởng gốm này sẽ có thêm nhiều người yêu gốm, đến với gốm bằng niềm đam mê và cho ra đời nhiều sản phẩm nghệ thuật.

Bài và ảnh: CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/co-mot-xuong-gom-o-xu-thanh-31616.htm