Có nên bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai tại xã, phường trước khi khởi kiện?
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ nên khuyến khích hòa giải tại UBND cấp xã, nhưng cũng có chuyên gia cho rằng nên bỏ hẳn.
Sáng 14-3, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm Lấy ý kiến chuyên gia đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự chỉ trì của PGS.TS Võ Trí Hảo và ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia tập trung cho ý kiến đối với các nội dung trọng tâm mà Chính phủ đã đề nghị như bảng giá đất, thu hồi đất...
Liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai giữa người dân với người dân, TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, khoản 1 Điều 224 quy định “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án”.
Trong khi đó, khoản 2 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, tuy nhiên điều luật lại không khẳng định đây có phải là bước bắt buộc trước khi khởi kiện hay không.
Theo TS Dung, hòa giải tại cơ sở (hòa giải tại khu phố, ấp theo Luật Hòa giải cơ sở) khác với hòa giải tại UBND cấp xã, nên quy định tại khoản 2 của Điều 224 dự thảo sẽ gây “nhầm lẫn, mơ hồ”.
Do đó, TS Dung đề nghị dự thảo cần làm rõ vấn đề này và đề xuất việc hòa giải tại UBND cấp xã chỉ nên khuyến khích, để cho người dân được quyền lựa chọn.
Lý giải cho đề xuất trên, TS Dung cho biết, hòa giải tại UBND cấp xã có ưu điểm là ít tốn kém về chi phí, giải quyết tại địa phương, có thể áp dụng công nhận hòa giải thành ngoài tòa án. Tuy nhiên, thủ tục này vẫn có bất cập, ví dụ như trong thành phần hội đồng hòa giải tại cơ sở bao gồm đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất có tranh chấp, tuy nhiên nhiều trường hợp người biết về vụ việc nhưng họ từ chối, đôi khi vì sợ mất lòng, mất tình làng nghĩa xóm. Hoặc có quy định hai lần triệu tập vắng mặt thì ra quyết định hòa giải không thành. Những điều này gây ra việc kéo dài tiến trình giải quyết vụ tranh chấp.
Còn việc chỉ khuyến khích hòa giải ở xã cũng sẽ giảm bớt công việc cho UBND cấp xã, có thêm cơ quan tư pháp giải quyết tranh chấp có tính thuyết phục hơn, dù có thể gây tốn kém chi phí.
Về vấn đề hiện nay, theo Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện (tức là yêu cầu phải hòa giải tại xã trước), TS Dung cho biết, nếu như sau góp ý, dự thảo sửa đổi rõ ràng thành chỉ khuyến khích hòa giải tại UBND cấp xã thì TAND Tối cao sẽ phải sửa đổi theo luật mới.
Quyết liệt hơn ông Bùi Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, lại cho rằng nên bỏ hẳn việc hòa giải tại UBND cấp xã, bởi thực tế có rất nhiều trường hợp bị một trong các bên lợi dụng kéo dài thời gian, khiến có những vụ việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.
Cũng tại tọa đàm, bà Phạm Thị Bình (Công ty Cổ phần thẩm định giá Hoàng Gia) góp ý về thời kỳ ban hành bảng giá đất. Theo bà Bình, chu kỳ thay đổi giá đất là không ngắn, thêm vào đó, để xây dựng được bảng giá đất sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Do đó, bà Bình đề xuất nếu không ban hành 5 năm một lần thì cũng chỉ nên ban hành 3 năm một lần.