Có nên giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần?

Người lao động mong muốn được giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần, nhưng phía các doanh nghiệp cho rằng việc giảm giờ làm ở thời điểm này chưa hợp lý.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra ý kiến, kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu sớm giảm giờ làm việc cho người lao động (NLĐ) thấp hơn 48 giờ/tuần.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc giảm giờ làm giải quyết rất nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tái sản xuất sức lao động, làm cho NLĐ khỏe hơn, nhiều năng lượng hơn. Thứ hai, giúp NLĐ bảo vệ sức khỏe.

Theo ông Hiểu, cần tính tới vấn đề sức khỏe lâu dài cho NLĐ, nếu không khi về hưu họ sẽ là một gánh nặng an sinh xã hội và cũng là thiệt thòi cho chính bản thân NLĐ. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tuổi thọ, là điều rất quan trọng đối với những công nhân đã xây dựng gia đình, có con cái.

"Việc giảm giờ làm tạo điều kiện để NLĐ nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, việc giảm giờ làm giúp NLĐ duy trì sức khỏe tốt hơn để khi về hưu, họ vẫn đảm bảo sống khỏe, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội", ông Hiểu bày tỏ.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối tháng 10/2023, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa là người đưa ra đề xuất cần phải giảm giờ làm việc cho NLĐ khu vực tư nhân từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.

Theo ông Nghĩa, ở Việt Nam quy định giờ làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm. Nếu tính tổng thời gian làm việc thực tế và thời giờ làm thêm của NLĐ tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.

Ông Nghĩa cho rằng, không có lý do gì khi đất nước phát triển mà NLĐ phải làm việc số giờ cao. NLĐ cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Cần xem xét thận trọng việc giảm giờ làm

Dù Bộ luật Lao động khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện cho NLĐ làm 40 giờ/tuần, nhưng thực tế rất ít đơn vị thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Hằng (công nhân sản xuất giấy ở Bình Dương) chia sẻ, hiện nay các cơ quan nhà nước cho nghỉ ngày thứ 7, trong khi tại các doanh nghiệp vẫn phải đi làm thứ 7, như vậy là chưa công bằng vì công nhân ngoài thời gian làm chính còn tham gia làm thêm nên thường sức khỏe không đảm bảo, khi tuổi cao sức khỏe suy giảm đáng kể.

Do vậy, chị Hằng mong muốn Nhà nước có chính sách để giảm giờ làm cho NLĐ ở khu vực doanh nghiệp, nhất là công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) nêu thực tế tại doanh nghiệp ông đang làm, NLĐ vẫn làm việc 48 giờ/tuần, trong khi khu vực hành chính sự nghiệp chỉ làm 40 giờ/tuần.

Do vậy, ông Tú mong muốn Nhà nước cần có quy định giảm giờ làm phù hợp với thực tiễn và các nước lân cận.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu, Bắc Giang) cho rằng, ở thời điểm hiện tại chỉ nên định hướng chứ chưa nên thực hiện giảm giờ làm.

Theo ông Tân, hiện nay Việt Nam vẫn cần thu hút doanh nghiệp FDI. Nước ta có dân số trẻ, thiếu việc làm nhiều nên cần tận dụng nguồn đầu vào là lao động dư thừa. Nay mai, khi sản xuất theo hướng tự động hóa tăng, hiệu suất lao động làm việc tăng lên thì hãy tính giảm giờ làm.

Nhiều người lao động khu vực doanh nghiệp mong muốn được giảm giờ làm (Ảnh minh họa: Nam Khánh)

Nhiều người lao động khu vực doanh nghiệp mong muốn được giảm giờ làm (Ảnh minh họa: Nam Khánh)

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho rằng, giảm giờ làm là yêu cầu cần thiết để hướng tới cuộc sống ngày càng tốt hơn của NLĐ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh, dịch bệnh, kinh tế thế giới và khu vực chưa khởi sắc, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp tăng… thì chưa nên đề xuất giảm giờ làm.

Theo ông Dũng, đến năm 2030, khi Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì vấn đề giảm giờ làm là phù hợp.

Ngoài ra, hiện nay năng suất lao động và mức sống của người Việt Nam chưa bằng một số nước xung quanh. Thu nhập của NLĐ còn thấp nên việc giảm giờ làm phải xem xét rất thận trọng.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-nen-giam-gio-lam-xuong-duoi-48-gio-tuan-2231387.html