Có nên khôi phục chế định 'luật sư tập sự'?

Bộ Tư Pháp đề nghị xây dựng chế định 'luật sư tập sự' và mở rộng hơn một số công việc luật sư tập sự được làm như tham gia tố tụng ở cấp huyện...

Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư, thay thế Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Đề xuất mở rộng quyền của luật sư tập sự

Theo dự thảo báo cáo đánh giá tác động, Luật Luật sư hiện hành quy định chế định “người tập sự hành nghề luật sư” với một số quyền hạn chế nên người tập sự ít cơ hội cọ xát với nghề và chưa phù hợp với quy định của pháp luật khác (quy định về đại diện theo ủy quyền của pháp luật về dân sự...).

Việc quy định chế định “luật sư tập sự” sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn thời gian tập sự, giúp luật sư tập sự có cơ hội cọ xát với nghề. Thông qua quá trình tập sự giúp luật sư tập sự nhận thức đầy đủ hơn về nghề luật sư và rèn luyện về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư. Đồng thời, tăng trách nhiệm tự quản của các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ngay từ khi mới bước vào nghề.

Vì vậy, cần xây dựng chế định “luật sư tập sự” thay vì “người tập sự hành nghề luật sư”, rà soát quy định rõ, mở rộng hơn một số công việc luật sư tập sự được làm khi được khách hàng đồng ý và dưới sự giám sát, chịu trách nhiệm của luật sư hướng dẫn.

Cũng theo dự thảo tờ trình, người muốn tập sự hành nghề luật sư sẽ đăng ký gia nhập một Đoàn Luật sư với tư cách luật sư tập sự. Luật sư tập sự là thành viên không đầy đủ của các Đoàn Luật sư. Đoàn Luật sư có trách nhiệm giám sát, quản lý luật sư tập sự đến khi họ thi đỗ kỳ thi quốc gia để trở thành luật sư...

Từ đó, dự thảo đề cương Luật Luật sư, tại Điều 14 quy định về tập sự hành nghề luật sự sẽ mở rộng và quy định cụ thể hơn về các công việc Luật sư tập sự được làm (được thực hiện tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng cấp huyện).

Đồng thời, tại Điều 20 dự thảo đề cương sửa đổi thời điểm gia nhập Đoàn Luật sư khi đăng ký tập sự (trở thành Luật sư tập sự) thay vì thời điểm sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư như Luật Luật sư hiện hành.

 Các luật sư tại một phiên tòa hình sự. Ảnh: TRẦN LINH

Các luật sư tại một phiên tòa hình sự. Ảnh: TRẦN LINH

Nên khôi phục chế định luật sư tập sự

Trao đổi với PLO, luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Pháp lệnh về luật sư năm 2001 quy định chế định “luật sư tập sự”. Trong đó, quy định các quyền và nghĩa vụ như luật sư, trừ các việc sau đây: thành lập, tham gia thành lập Văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh; ký văn bản tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tòa án quân sự Quân khu và tương đương, TAND Tối cao (Điều 15 khoản 3).

Trong khi đó, Luật Luật sư lại quy định “Người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật” (khoản 3 Điều 14).

Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định này là một bước thụt lùi so Pháp lệnh về luật sư 2001 bởi tên gọi dài dòng, hạn chế quyền của luật sư tập sự so với công dân bình thường chưa qua học tập pháp luật và đào tạo nghề luật sư (có quyền đại diện theo ủy quyền, tham gia tố tụng…).

Quy định này còn mâu thuẫn với nội dung yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Vì không được làm thì lấy gì để thi kiểm tra kết quả tập sự.

Do đó, luật sư Trung ủng hộ việc khôi phục chế định “luật sư tập sự”.

"Tuy nhiên, cần bổ sung quy định thời hạn phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư sau khi đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự (2 hoặc 3 năm). Đối với luật sư tập sự không đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự phải tiếp tục tập sự với luật sư đã hướng dẫn hoặc có thể thỏa thuận thay đổi luật sư hướng dẫn.

Luật sư tập sự chỉ được tham dự kiểm tra kết quả tập sự không quá 3 lần. Nếu lần kiểm tra thứ 3 vẫn không đạt thì phải chấm dứt việc tập sự. Cạnh đó, luật sư tập sự khi thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đều phải dưới danh xưng luật sư tập sự và phải được sự đồng ý của luật sư hướng dẫn”, ông Trung nói.

Chỉ nên giới hạn không được tham gia như luật sư bào chữa

Đồng tình, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng ủng hộ chế định “luật sư tập sự” với nhiều lý do.

Thứ nhất là mong muốn của nhà làm luật khi xây dựng dự thảo đề cương là nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư tập sự, bắt đầu từ việc cùng với luật sư hướng dẫn trực tiếp tham gia vào các vụ việc tư vấn, tham gia tố tụng.

Có ý kiến cho rằng luật sư tập sự chưa đủ năng lực để cung cấp các dịch vụ pháp lý này nhưng dường như ý kiến này lại bỏ qua vấn đề rằng: Họ tập sự dưới sự hướng dẫn, quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm của luật sư hướng dẫn, với tổ chức hành nghề luật sư mà họ đăng ký tập sự.

Vì vậy, vấn đề cần quan tâm không phải là luật sư tập sự chưa đủ năng lực mà công tác quản lý luật sư tập sự được thực hiện như thế nào để bảo đảm hai mục đích: Luật sư tập sự được trực tiếp thực hành các kiến thức, kỹ năng đã học và không làm phương hại đến nghề nghiệp luật sư, trên hết là quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thứ hai là việc mở rộng, cho phép luật sư tập sự tham gia tố tụng tại cấp huyện là quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên, cần có giới hạn là không được tham gia tố tụng trong vụ án hình sự với vai trò tương tự như người bào chữa. Bởi việc bào chữa cho người bị buộc tội đòi hỏi rất cao về kiến thức, kỹ năng hành nghề. Mọi sự thiếu sót của luật sư tập sự đều có thể ảnh hưởng nặng nề đến trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Cạnh đó, theo luật sư Trạch, việc cho phép luật sư tập sự tham gia tố tụng với tư cách đại diện theo ủy quyền là hợp lý. Nếu xét trên phương diện pháp luật dân sự, hình sự hiện hành về điều kiện để làm người đại diện theo ủy quyền thì không có sự loại trừ đối với người tập sự hành nghề luật sư.

Trên thực tế, cũng có trường hợp, nhân thân gia đình của người tập sự mong muốn con em mình hỗ trợ, đại diện để tham gia tranh tụng nhưng nếu theo quy định hiện hành thì việc đại diện như vậy lại không được thực hiện.

Tuy nhiên, ông Trạch cũng băn khoăn về chế độ trách nhiệm của luật sư tập sự. Bởi trong quá trình tập sự, nếu luật sư tập sự gây thiệt hại cho khách hàng thì trách nhiệm của họ với khách hàng, với tổ chức hành nghề luật sư sẽ được xử lý như thế nào?

Bởi, khách hàng là khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư thực hiện trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý. Mọi thiệt hại đối với khách hàng, tổ chức hành nghề luật sư là chủ thể phải đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên.

Luật sư tập sự không phải mặc nhiên xem là người lao động của tổ chức hành nghề luật sư. Nếu gây thiệt hại cho khách hàng (do hành vi vượt quá phạm vi công việc được luật sư hướng dẫn giao hoặc vi phạm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như làm lộ thông tin khách hàng...) thì không thể lấy quy định của pháp luật về lao động để áp dụng. Luật sư hướng dẫn có phải liên đới với luật sư tập sự trong việc bồi thường thiệt hại (nếu có) cho tổ chức hành nghề luật sư không?

"Bất cập thực tế nêu trên là một trong những nguyên nhân tạo tâm lý e ngại cho một số ít luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư khi cho phép luật sư tập sự tiếp cận, trực tiếp thực hiện một số dịch vụ pháp lý cho khách hàng", luật sư Trạch nêu.

Giữ nguyên tên nhưng mở rộng quyền

Quy định "người tập sự hành nghề luật sư" là đúng tính chất là người tập sự nghề luật sư nên cần giữ nguyên tên gọi.

Tuy nhiên, có thể thấy Luật Luật sư hiện hành (Điều 14) quy định người tập sự hành nghề luật sư bị hạn chế một số quyền nên họ ít cơ hội cọ xát với nghề và chưa phù hợp với quy định của pháp luật khác. Bởi pháp luật về dân sự, tố tụng hành chính không có quy định cấm người tập sự luật sư đại diện theo ủy quyền.

Thực tiễn nghịch lý còn cho thấy nhiều người không biết gì về luật lại nhận ủy quyền và tham gia tố tụng như một “dạng cò” thì pháp luật lại không hạn chế. Trong khi đó, người tập sự nghề luật sư (những luật sư trong tương lai) lại bị hạn chế bởi Luật Luật sư.

Do đó, cần quy định theo hướng mở rộng quyền của người tập sự được đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, hành chính... nhưng phải đi kèm với các điều kiện như được sự đồng ý của khách hàng, của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn.

Tuy nhiên, vẫn nên quy định cấm người tập sự luật sư không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa để bảo đảm được sự thống nhất giữa quy định của Luật Luật sư với các quy định của BLTTHS. Bởi BLTTHS không có quy định về người tập sự hành nghề luật sư hay luật sư tập sự được tham gia là người bào chữa.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-khoi-phuc-che-dinh-luat-su-tap-su-post793898.html