Có nên 'luật hóa' Bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần?

Theo quy định tại dự thảo Luật Cảnh vệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều 10 Luật Cảnh vệ

Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Cảnh vệ sửa đổi. Theo quy định tại dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều 10 luật Cảnh vệ.

Các đại biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu xác định trường hợp nào là cấp thiết, tiêu chí xác định và phải quy định rõ trong luật cho chặt chẽ.

Bộ Công an cho biết công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Do đó, tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định).

Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, đó là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại.

Theo Bộ Công an, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác không được quy định tại điều 10 Luật Cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền.

Bộ Công an cũng khẳng định việc đề xuất như dự thảo không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính, vì thực tế đã và đang được thực hiện trên cơ sở biên chế hiện có và tài chính hiện tại.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan, quy định rõ trường hợp cấp thiết áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc quy định tại điều 10 luật Cảnh vệ, gồm: Theo đề nghị của người đứng đầu các cơ quan ở trung ương; người đứng đầu chính quyền địa phương; đại sứ quán các nước.

Quá trình cho ý kiến đối với dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị cân nhắc giữ như luật hiện hành quy định về biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu.

Giải trình nội dung này, Bộ Công an cho biết dự thảo luật bổ sung biện pháp cảnh vệ "kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực" áp dụng đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn (quận Ba Đình, Hà Nội) là xuất phát từ thực tiễn yêu cầu công tác cảnh vệ.

Qua tổng kết thi hành luật Cảnh vệ năm 2017 cho thấy Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn là những khu vực trọng yếu. Nếu không áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an ninh, an toàn cho các đối tượng cảnh vệ này.

Thực tế, trong những năm qua, lực lượng cảnh vệ đã phải triển khai áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khu vực này.

Cùng đó là kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý ngay các hành vi mang chất nổ, chất cháy, công cụ, phương tiện nguy hiểm hoặc các hành vi phá hoại khác đối với khu vực trọng yếu nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc thông qua dự án luật tại kỳ họp này sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

"Tôi đồng tình bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao vào đối tượng cảnh vệ, quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao" - vị đại biểu nêu ý kiến.

Cũng phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn TP Hà Nội) nhất trí quy định bổ sung áp dụng công tác cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ như quy định dự thảo luật. Theo đại biểu, tùy tình hình an ninh trật tự, trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định, cho từng đối tượng) là phù hợp.

Đại biểu Lê Nhật Thành phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Lê Nhật Thành phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Vị đại biểu cho rằng thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, công tác cảnh vệ nói riêng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điều chỉnh. Thực tế lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 luật hiện hành.

Thống kê của cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra... Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của công tác cảnh vệ, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp.

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-nen-luat-hoa-bo-truong-cong-an-duoc-quyet-dinh-ap-dung-bien-phap-canh-ve-khi-can-196240603162643536.htm