Có nên tồn tại mô hình đại học 2 cấp?

Đại học quốc gia, đại học vùng tại Việt Nam đang ở mô hình đại học 2 cấp (trường đại học trong đại học). Nhân việc Bộ GD&ĐT lấy ý kiến sửa đổi Luật Giáo dục đại học 2018, một số chuyên gia đề xuất nên bỏ, hoặc tái cấu trúc mô hình đại học 2 cấp.

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Hoa Ban

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Hoa Ban

Khó định danh

Năm 2022, tại hội thảo mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học (ĐH) ở Việt Nam do ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã có bài viết ĐH đa lĩnh vực thiết kế, thực thi, vấn đề và giải pháp.

Ông cho biết, đầu thập niên 1990, khi Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường ĐH mạnh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ GD&ĐT thiết kế các ĐH này và Bộ đã đề nghị xây dựng 2 ĐH quốc gia là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, 3 ĐH vùng là ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng theo mô hình đa lĩnh vực.

Thời điểm đó, phần lớn các trường ĐH của Việt Nam có quy mô rất nhỏ, việc xây dựng các ĐH đa lĩnh vực phần lớn được triển khai theo hướng sáp nhập một số trường ĐH đơn lĩnh vực. Nhưng mô hình này bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập trong quản lí.

Do đó, Chính phủ phải giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lí trước đây, do đó các quy chế tổ chức ĐH quốc gia và ĐH vùng được xây dựng theo mô hình ĐH hai cấp.

Tuy nhiên, GS. Lâm Quang Thiệp đánh giá, mô hình này đã vô hiệu hóa các ưu thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực, làm nảy sinh nhiều vấn đề về quản trị và quản lí các ĐH. Luật Giáo dục ĐH 2018 đã bỏ khái niệm ĐH 2 cấp trong phần định nghĩa.

GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, sự tồn tại cấp quản lí trung gian của “đại học” là một cơ chế gây nhiều vấn đề và mâu thuẫn. Vì vậy, ông nêu ý kiến, tốt hơn hết các ĐH quốc gia và ĐH vùng nên xây dựng theo mô hình ĐH thực sự, không nên sử dụng mô hình ĐH hai cấp.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu bất cập trong tên gọi khi quan hệ quốc tế của các trường ĐH thành viên trong ĐH quốc gia.

“Chúng tôi giới thiệu là university (trường ĐH), ở trên chúng tôi lại có một university nữa. Các nước trên thế giới không hiểu giáo dục ĐH Việt Nam như thế nào mà lại có university trong university (trường ĐH trong ĐH)”, GS. Vũ Hoàng Linh nói.

Ông chia sẻ, Chính phủ sắp ban hành nghị định về ĐH quốc gia, nhen lên hy vọng xác định rõ vai trò, vị thế và cơ chế đặc thù của mô hình ĐH này. Các nội dung khác về hoạt động của trường ĐH trực thuộc ĐH quốc gia, ông Linh khẳng định cho đến nay chưa phát sinh vấn đề lớn. Tuy nhiên cũng cần rà soát, đánh giá để điều chỉnh, phát triển mạnh mẽ hơn.

Tái cấu trúc

Lãnh đạo một trường ĐH trực thuộc ĐH quốc gia chia sẻ, bản chất của cấp ĐH quốc gia hay ĐH vùng chỉ là cái “áo”, chưa bao giờ là “tốt gỗ”. Theo vị này, quan trọng là trường ĐH đào tạo có chất lượng, không nên quá tập trung vào cái áo bên ngoài.

“Tất nhiên, cái áo cũng quan trọng, nhưng chỉ quan tâm tới nó (như vài chục năm qua) thì lãng phí thời gian. Hãy xem, chỉ cần so về cơ sở vật chất, liệu có cơ sở giáo dục ĐH nào của Việt Nam xứng đáng so với một trường top 10, thậm chí top 20 vùng châu Á.

Hai ĐH quốc gia đã ra đời 30 năm nhưng đến nay, cơ sở vật chất vẫn chưa có gì”, vị lãnh đạo này nói. Do đó, vị này cho rằng, thật khó khẳng định mô hình đó có hiệu quả hay không nếu đi vào thực chất.

TS. Lê Văn Út (Trường ĐH Văn Lang) cho rằng, Việt Nam không nên để trường ĐH trong ĐH như hiện nay, cần dịch chuyển và tái cơ cấu cho phù hợp với xu hướng thế giới.

Theo TS. Út, mô hình ĐH hai cấp đang làm mất tính tự chủ, khó đột phá. Ông cho rằng, chỉ có ĐH và dưới là trường/khoa như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM. Khi tái cơ cấu ĐH hai cấp, trường ĐH nào muốn tự chủ có thể cho “li khai”, các trường ĐH còn lại trở thành trường/khoa trực thuộc.

Lãnh đạo một trường ĐH trực thuộc ĐH quốc gia đề xuất Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần xác định, trong thời gian 20-30 năm tới, Việt Nam có cần mô hình ĐH hai cấp như hiện nay không, nếu không cần nên chuyển sang mô hình khác phù hợp với thực tế.

Tại tọa đàm góp ý Dự án Luật Giáo dục ĐH sửa đổi do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, ông Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng cho rằng, hệ thống ĐH hai cấp khiến các trường thành viên lâm vào tình cảnh một cửa hai khóa, vừa chịu sự quản lí của cấp ĐH, vừa chịu sự quản lí của cơ quan nhà nước. Theo ông Hải, các trường ĐH thành viên trực thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng cần được trao quyền tự chủ tương tự như các trường độc lập, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện.

Trong bản dự thảo báo cáo đánh giá tác động của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận rằng mô hình này ĐH hai cấp tạo ra nhiều thách thức, phức tạp và tiềm ẩn rủi ro trong công tác tổ chức, quản lí, đặc biệt khi triển khai cơ chế tự chủ. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, mô hình ĐH hai cấp đã được thảo luận nhiều.

Tuy nhiên, ông cho rằng, ĐH quốc gia và ĐH vùng là những đơn vị được Nhà nước quản lí theo sứ mạng, có vị thế riêng. Vì vậy, nên bàn về quản trị bên trong, không phải vấn đề bỏ ĐH quốc gia hay ĐH vùng, xem xét mô hình này cần cải tiến như thế nào.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-nen-ton-tai-mo-hinh-dai-hoc-2-cap-post1742913.tpo