Có những nội dung mới được đưa vào để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội chia sẻ với PV PL&XH:

TS Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

TS Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

- Thưa bà, bà có thể cho biết lý do cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 và việc sửa đổi giải quyết vấn đề gì đặt ra trong thực tiễn?

- TS Nguyễn Ngọc Bích: Tôi nghĩ, có 2 lý do chính: một là, nhìn vào các quy định và thực tế cho thấy, quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu những cơ chế đặc thù, cụ thể để thực hiện. Thứ hai, thực tiễn vận động của tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội làm cho các quy định của Luật 2012 không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô nữa cần phải sửa.

Do đó, cần sửa Luật để khắc phục những điểm hạn chế của Luật; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo căn cứ pháp lý để trao cho Hà Nội những chính sách vượt trội để phát triển theo hướng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” như Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Lần sửa Luật này tập trung vào nội dung nào, thưa bà?

- TS Nguyễn Ngọc Bích: Lần sửa này tương đối toàn diện. Hầu hết các quy định mà qua thực tiễn chúng ta nhận thấy có hạn chế hay còn thiếu lần này đều được sửa, bổ sung. Có những nội dung mới được đưa vào để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô như các quy định về đô thị thông minh, vùng phát thải thấp (LEZ), phát triển theo định hướng giao thông kết nối (TOD). Cá nhân tôi rất chú ý đến các quy định về tổ chức chính quyền tại thành phố (TP) Hà Nội. Dự thảo lần này đã dành một chương, Chương II để quy định về nội dung này. Đây là quy định lần đầu tiên được đưa vào Luật Thủ đô, luật dành riêng cho một địa phương.

Tôi đánh giá cao Chương II trong dự thảo vì nội dung này làm cho Luật Thủ đô sẽ quy định toàn diện về Hà Nội. Luật năm 2012 đã chú trọng chính sách và trách nhiệm xây dựng Thủ đô toàn diện các mặt nhưng lại chưa quy định về bộ máy để thực hiện.

- Bà có thể chia sẻ, quy định về tổ chức chính quyền tại Thủ đô Hà Nội trong Dự thảo có gì khác so với các địa phương khác?

- TS Nguyễn Ngọc Bích: Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 97/2019/QH14 Về thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô đã ghi nhận chính thức nhiều nội dung của Nghị quyết số 97 và khẳng định, Hà Nội sẽ tổ chức chính quyền theo mô hình chính quyền đô thị.

So với các địa phương khác, theo Dự thảo Luật, chính quyền tại TP Hà Nội có một số điểm khác với chính quyền tại các địa phương khác, đó là: Một, tăng số đại biểu HĐND TP lên 125 đại biểu trong đó có 25% đại biểu chuyên trách (so với 95 đại biểu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và không quy định rõ tỉ lệ đại biểu chuyên trách) tại các phường không còn tổ chức HĐND phường và UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND phường (các địa phương khác là chế độ tập thể của UBND); thành lập TP thuộc TP Hà Nội.

- Theo Dự thảo, chính quyền Hà Nội đang được trao thẩm quyền như thế nào để tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô, thưa bà?

- TS Nguyễn Ngọc Bích: Trong Dự thảo Luật lần này, Hà Nội đã được phân cấp quyết định nhiều vấn đề để phát triển Thủ đô theo yêu cầu mới. Trong các quy định về tổ chức chính quyền có một số quy định đáng chú ý như là: Hà Nội được quyết định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc thù của TP; quyết định biên chế của TP; người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính được ký hợp đồng làm việc có thời hạn khi có nhu cầu.

Để thu hút nhân lực có chất lượng cao làm việc trong các cơ quan, đơn vị tại TP Hà Nội, Dự thảo Luật có 2 quy định đáng chú ý: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị của TP được ký hợp đồng với mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận với người có tài năng, người có kinh nghiệm; thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của TP và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức...

- có thể cho biết, Luật Thủ đô liệu có xử lý được các xung đột pháp luật hiện nay và có tạo ra xung đột mới?

- TS Nguyễn Ngọc Bích: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật là việc làm thường xuyên, với xã hội đang phát triển mạnh như VN hiện nay thì càng phải đẩy mạnh. Các văn bản khi ban hành có thể đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội nhưng khi kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh thì không còn phù hợp nữa. Khi xây dựng Luật Thủ đô Hà Nội đã cùng với các Bộ liên quan rà soát, đánh giá rất kỹ các quy định để đề xuất các chính sách thích hợp nên có thể nói là cơ bản khắc phục được những hạn chế.

Bản thân Dự thảo sẽ làm cho các quy định về Thủ đô, đối với Thủ đô khác so với các quy định áp dụng chung cho tất cả các địa phương nhưng điều đó là cần thiết do vị trí, vai trò của Thủ đô. Trong Luật Thủ đô Quốc hội cũng cần phải cân nhắc để quy định trong Luật vấn đề gì ở Hà Nội khác so với các địa phương trong cả nước và khác như thế nào.

-Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nhật Nam (ghi)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-nhung-noi-dung-moi-duoc-dua-vao-de-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-cua-thu-do-353218.html